0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

PHÂN TÍCH MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 75 BLHS

Ngày đăng Ngày 26
3/2024

PHÂN TÍCH MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ của PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 75 BLHS

      Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự - lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS), cụ thể tại Khoản 2 Điều 2 BLHS khẳng định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.

      Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số điều kiện để pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 75 BLHS.

  • Về khái niệm:

      Trước hết, để áp dụng đúng tinh thần của pháp luật khi truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân cần phải hiểu rõ Pháp nhân, Pháp nhân thương mại là gì. BLHS cũng như Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không định nghĩa hay giải thích như thế nào là pháp nhân và pháp nhân thương mại. Tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) có quy định về pháp nhân, nhưng cũng không nêu ra định nghĩa mà chỉ nêu 04 điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân như sau :

“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Bên cạnh đó, Điều 75 BLDS 2015 quy định về Pháp nhân thương mại là:

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

      Như vậy, thông qua BLDS có thể rút ra được một khái niệm chung về pháp nhân thương mại – chủ thể chịu trách nhiệm hình sự như sau: Pháp nhân thương mại là tổ chức được thành lập theo BLDS và các luật khác có liên quan, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 BLDS 2015, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập, với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

      Tuy nhiên, đây chỉ là một định nghĩa dựa trên sự tổng hợp các điều luật trong BLDS 2015. Và tại Khoản 1 Điều 4 BLDS 2015 quy định “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc sử dụng định nghĩa của BLDS 2015 để dẫn chiếu xác định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại trong BLHS thiết nghĩ cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

  • Về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

      Chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại có nhiều đặc điểm khác với cá nhân. Bản thân pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện được tội phạm mà phải thông qua hành vi của các thành viên hoạt động trong pháp nhân. Do đó, hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại phải thỏa mãn những điều kiện cần và đủ thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự, được quy định tại Điều 75 BLHS 2015 như sau:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Pháp nhân là một tổ chức, tập hợp của nhiều người hoạt động thông qua hành vi của cá nhân. Theo quy định của BLDS 2015, Luật doanh nghiệp năm 2014, những cá nhân có thể thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân thương mại gồm: người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo ủy quyền thực hiện các hành vi nhân danh pháp nhân theo quy định tại Điều lệ pháp nhân.

Vậy những hành vi được thực hiện thông qua những đối tượng đã nêu ở trên được coi là nhân danh pháp nhân thương mại, việc thể hiện hành vi có thể bằng hành động hoặc không hành động, nếu hành động thì thông qua văn bản, lời nói (Công văn, quyết định, v.v…) còn không hành động là biết nhưng mặc nhiên để hậu quả xảy ra.

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Đây là điều kiện cần để xem xét việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Điều kiện trên quy định nhằm phân biệt hành vi phục vụ lợi ích chung và hành vi phục vụ lợi ích cá nhân. Pháp nhân là tổ chức độc lập về tài chính, là thực thể riêng biệt với các cá nhân tạo lập nên nó vậy nên cần phải hiểu rõ, hành vi phạm tội dù bởi bất kỳ cá nhân nào nhân danh pháp nhân nhưng chủ thể được hưởng lợi ích (là tiền, tài sản, động sản, bất động sản,…) phải là pháp nhân, nếu lợi ích thuộc về cá nhân thì việc chịu trách nhiệm hình sự sẽ là cá nhân chứ không phải là pháp nhân thương mại đó.

      Tuy nhiên, từ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại một trường hợp chưa thể áp dụng triệt để pháp luật. Cụ thể, đối với Công ty TNHH một thành viên thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của các tội theo quy định tại Điều 76 BLHS 2015, thì trong trường hợp này công ty TNHH một thành viên có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

=> Chúng tôi cho rằng, Công ty TNHH một thành viên trong trường hợp này không phải là pháp nhân thương mại phạm tội mà là cá nhân phạm tội bởi: Công ty TNHH một thành viên là một pháp nhân và có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận – thỏa mãn điều kiện của một pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, lợi ích của pháp nhân thương mại trong trường hợp này cũng là lợi ích của duy nhất một thành viên là chủ sở hữu công ty. Do đó, Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại lại vô hình chung là vì lợi ích của cá nhân chứ không còn là lợi ích của pháp nhân nữa.

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Đây là điều kiện mà nếu xét trên cả 2 mặt nội dung và thực tiễn sẽ nhận thấy có nhiều sự khiên cưỡng, cụ thể như sau:

Về mặt nội dung: Điều kiện trên được hiểu, pháp nhân thương mại có phải chỉ đạo và điều hành, vậy pháp nhân thương mại phải có ý chí. Tuy nhiên pháp nhân là tổ chức, ý chí của pháp nhân là ý chí của tập hợp những chủ thể tạo lập nên nó. Sự thống nhất về mặt ý chí của các chủ thể sẽ đưa ra phương hướng, hoạt động đối với pháp nhân, do đó ý chí chung này được coi là ý chí của pháp nhân thương mại.

Về mặt thực tiễn: Theo quy định của Luật doanh nghiệp, BLDS 2015 thì pháp nhân có Điều lệ. Điều lệ của pháp nhân quy định việc vận hành, hoạt động, tài sản, các thành viên v.v… của pháp nhân. Vậy Điều lệ này được coi là ý chí chung, do đây là sự thể hiện ý chí của pháp nhân bởi văn bản này được sự thống nhất của tất cả các thành viên, có chữ ký đồng thuận của tất cả các thành viên. Ngoài ra, ý chí của pháp nhân còn thể hiện qua các biên bản họp, Quyết định, Nghị quyết của tập hợp các thành viên pháp nhân. Những văn bản trên cũng được coi là sự thể hiện về mặt ý chí của pháp nhân.

      Vậy hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại chính là dựa trên nội dung của những văn bản đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, việc thể hiện bằng hình thức là văn bản hay bản ghi âm cuộc họp để chứng minh có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của pháp nhân thương mại thì thủ tục tố tụng hình sự chưa quy định chi tiết trình tự thu thập như thế nào, đây là khó khăn mà các nhà thực thi pháp luật sẽ có thể gặp trong thời gian tới.

      Có một tình huống đặt ra trong trường hợp này như sau: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện là pháp nhân thương mại) chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận hành vi phạm tội của người quản lý doanh nghiệp thì pháp nhân thương mại có phải chịu trách nhiệm hình sự không nếu lợi ích từ hành vi phạm tội đó thuộc về pháp nhân. Chúng tôi cho rằng pháp nhân thương mại chỉ phạm tội trong trường hợp ý kiến chỉ đạo, chấp thuận của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đã được pháp nhân thông qua, đồng ý trong cuộc họp có biên bản, hoặc nghị quyết, quyết định. Không thể loại trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chỉ đạo việc thực hiện hành vi phạm tội bằng chính ý chí của bản thân mình mà chưa được tập thể thành viên pháp nhân thông qua điều này sẽ dẫn đến bất lợi đối với pháp nhân thương mại.

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 và khoản 3 của Bộ luật hình sự 2015

      Đây là điều kiện của mọi chủ thể chịu trách nhiệm hình sự, không chỉ riêng cá nhân phạm tội mà còn cả pháp nhân thương mại phạm tội.

      Việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân được xác định thông qua việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS được quy định tại Điều 27 BLHS nhưng chỉ trong phạm vi 33 tội danh được quy định tại Điều 76 BLHS 2015.

      Trên đây là một số quan điểm, ý kiến chúng tôi đưa ra đối với quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội dựa trên kinh nghiệm hoạt động. Rất mong được chia sẻ kiến thức pháp lý và nhận được sự góp ý từ phía bạn đọc.

     Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin