THỎA THUẬN GIÁ CẢ VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN BẰNG NGOẠI TỆ CÓ LÀM CHO HỢP ĐỒNG BỊ VÔ HIỆU KHÔNG?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hợp đồng1 được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Một hợp đồng nếu muốn đảm bảo có tính hiệu lực pháp lý để ràng buộc các bên thì đòi hỏi Hợp đồng đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự. Bao gồm các điều kiện sau đây2:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, trong giai đoạn giao kết hợp đồng, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích có thể đạt được cũng như một phần do tâm lý ưa chuộng và xem trọng đồng ngoại tệ hơn tiền đồng Việt Nam nên các bên thường có xu hướng chọn các loại ngoại tệ, đặt biệt là Đồng Đô la Mỹ (USD) khi tiến hành báo giá, định giá, ghi giá, thanh toán….làm đơn vị tiền tệ để sử dụng và thực hiện trong Hợp đồng. Điều này đã mang lại không ít rủi ro cho các bên cũng như phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật mà hậu quả tệ hơn là có thể là làm cho Hợp đồng đã ký kết bị vô hiệu.
Để tìm hiểu việc sử dụng ngoại tệ trong giao dịch dân sự có làm hợp đồng vô hiệu hay không? Trước tiên ta cần tìm hiểu và xem xét một số quy định về pháp lệnh ngoại hối của Việt Nam, cụ thể như sau:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì “Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ)3” được xem là một loại “Ngoại hối” và việc sử dụng loại ngoại hối (ngoại tệ) này tại Việt Nam phải chịu sự ràng buộc cũng như phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối mà điển hình là Pháp lệnh về ngoại hối năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối năm 2013.
Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối thì “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hành Nhà nước Việt Nam"
Đồng thời tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau: “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối. (Việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp đã được quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN).
Theo đó, có thể thấy việc thỏa thuận giá cá và phương thức thanh toán bằng “ngoại tệ” trong hợp đồng là một hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về ngoại hối. Tuy nhiên, việc vi phạm này có làm cho Hợp đồng đã ký kết giữa các bên trở nên vô hiệu hay không?
Trước đây, tại Bộ luật dân sự năm 2005 (có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2017) có quy định “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội4” và trường hợp “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu5”.
Theo đó, “điều cấm của pháp luật” ở đây được hiểu là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Vì vậy, các quy đinh về “điều cấm” này có thể tồn tại trong luật (i) hoặc các văn bản dưới luật (ii) như các Nghị định, Thông tư, Pháp lệnh…
Do vậy, trong trường hợp này, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì việc thỏa thuận giá cả và phương thức thanh toán bằng ngoại tệ là một hành vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể là vi phạm về quy định về ngoại hối theo Pháp lệnh về ngoại hối nên Hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2017) đã có những thay đổi bổ sung đáng kể theo hướng “mở” hơn cho các bên trong việc tự do hợp đồng, cụ thể: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội6” và trường hợp “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu7”.
Theo đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã thay thế cụm từ “vi phạm điều cấm của pháp luật” thành cụm từ “vi phạm điều cấm của luật” và hệ quả việc này là từ ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/01/2017) thì điều cấm làm cho hợp đồng vô hiệu chỉ có thể là các quy định của “luật”.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì pháp lệnh và thông tư không phải là văn bản luật. Do vậy, hành vi vi phạm các quy định về ngoại hối, cụ thể là việc thỏa thuận giá cả và phương thức thanh toán bằng ngoại tệ không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của “luật” nên sẽ không bị xem xét vô hiệu cũng như Hợp đồng được ký kết giữa các bên có điều khoản thoả thuận về giá cả, phương thức thanh toán bằng ngoại tệ sẽ không bị vô hiệu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng mặc dù từ ngày 01/01/2017 trở đi (ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực) thì hành vi thỏa thuận giá cả và phương thức thanh toán bằng ngoại tệ không làm cho hợp đồng bị vô hiệu nhưng vì đây là một hành vi vi phạm quy định của “pháp luật” về ngoại hối nên vẫn sẽ bị xem xét xử lý chế tài.
Cụ thể: Căn cứ theo Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì đối với hành vi “Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần so với cá nhân là từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
1 Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015.
2 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015.
3 Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005.
4 điểm b Khoản 1 Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005.
5 Điều 128 Bộ luật dân sự năm 2005.
6 điểm c Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015.
7 Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015.
Lưu ý: Bài viết, nội dung phân tích được đăng tải nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước mà không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần lưu ý tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.