0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

BẢO HỘ NHÃN HIỆU – ĐIỀU MÀ DOANH NGHIỆP NÊN SỚM THỰC HIỆN

Ngày đăng Ngày 26
8/2021

BẢO HỘ NHÃN HIỆU – ĐIỀU MÀ DOANH NGHIỆP NÊN SỚM THỰC HIỆN

      Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Việc bảo hộ được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu của các đối tượng đó (trừ các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập một cách tự động như bí mật kinh doanh và tên thương mại).

      Như vậy, muốn được pháp luật bảo vệ đối với quyền sở hữu công nghiệp thì thủ tục đăng ký là bắt buộc. Một trong những đối tượng mà Doanh nghiệp cần nên lưu tâm và đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu. Bởi vì, đây chính là dấu hiệu nhận diện của Doanh nghiệp trên thị trường, mỗi sản phẩm, dịch vụ trên thị trường của Doanh nghiệp đều được gắn trên đó một nhãn hiệu cụ thể để giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phầm, dịch vụ của doanh nghiệp này với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khác.

      Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

      Việc một người hoặc một tổ chức đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng lại bị người khác sử dụng, chiếm đoạt hoặc đăng ký trước thì sẽ không được pháp luật bảo vệ do không thực hiện đăng ký quyền cho đối tượng đó.

Ảnh minh họa!

      Khi nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ, chủ sở hữu được độc quyền khai thác lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình trong thời hạn bảo hộ như:

  • Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
  • Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;
  • Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
  • Đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ, bất kỳ chủ thể nào sử dụng nhãn hiệu đó mà không được chủ sở hữu nhãn hiệu đồng ý đều là hành vi xâm phạm và sẽ bị xử lý theo pháp luật.
  • Tránh khả năng gây nhầm lẫn

      Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác nhau nhằm chỉ ra ai là người sản xuất, cung cấp dịch vụ. Theo quy định của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối đăng ký nếu nhãn hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác. Đăng ký nhãn hiệu giúp doanh nghiệp ngăn chặn việc doanh nghiệp đối thủ sử dụng nhãn hiệu đó để gây nhầm lẫn hoặc thu lợi từ nhãn hiệu đã đăng ký. Trường hợp doanh nghiệp nào đó vẫn cố tình kinh doanh sản phẩm có khả năng gây nhầm lẫn thì có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường.

      Từ những phân tích trên, có thể thấy việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là rất cần thiết, việc này hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra đối với sản phẩm, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu trong quá trình kinh doanh.

      Tuy nhiên, không phải nhãn hiệu nào cũng được bảo hộ mà phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (Căn cứ Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung)

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Và các dấu hiệu sau đây cũng không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  •  Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

      Khi đáp ứng được các điều kiện, Doanh nghiệp có thể thực hiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo trình tự sau:

  • Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

      Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu.

      Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

      Hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thỏa ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

  • Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.

      Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn)

            + Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

          + Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

  • Bước 3: Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

      Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

  • Bước 4: Thẩm định nội dung đơn.

      Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

  • Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

          + Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

          + Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

      Trong quá trình Quý khách soạn thảo và nộp hồ sơ nếu có bất kỳ khó khăn nào có thể liên hệ với chúng tôi qua Hotline (028) 6682 3286 - 0939 07 2345 để được tư vấn cụ thể trình tự thực hiện và cung cấp dịch vụ pháp lý một cách tốt nhất nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin