0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

TỘI PHẠM HÌNH SỰ CÓ XU HƯỚNG NGÀY CÀNG TRẺ HÓA - GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA?

Ngày đăng Ngày 31
8/2023

       Khoảng một vài năm trở lại đây, mạng xã hội liên tiếp đưa tin về các vụ việc thương tâm, đau lòng khi người trong cuộc dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề xung đột, mâu thuẫn phát sinh hay các cơn ghen tuông của mình. Trong đó, tỉ lệ tội phạm có xu hướng trẻ hóa.

       Theo quy định của Pháp luật hình sự Việt Nam thì người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. 

       BLHS năm 1999 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý mà không phân biệt tội nào. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã thu hẹp phạm vi xử lý bằng chế tài hình sự đối với người dưới 16 tuổi, chỉ xử lý đối với một số trường hợp của các tội danh đã liệt kê trong điều luật, phi hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội do người dưới 16 tuổi thực hiện xảy ra ở các tội danh không được Điều 12 BLHS năm 2015 liệt kê.

       Bên cạnh đó, Điều 91 BLHS năm 2015 cũng quy định về Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2.[29] Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Như vậy:

  • Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng ngoài các tội danh quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì sẽ không xử lý hình sự mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục tập trung, hoặc giáo dục trong cộng đồng, tại phường, xã;
  • Khi xử lý người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải tuân thủ nguyên tắc tại Điều 91 Bộ luật này, cụ thể:

+ Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi;

+ Đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm;

+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù;

+ Trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá ¾ mức hình phạt đối so với người đã thành niên,...

       Có thể nói rằng chính sách pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ở Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện tính nhân văn, hướng thiện và chú trọng các giải pháp phòng ngừa.

       Tuy nhiên, thời gian gần đây trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm. Người phạm tội là người dưới 18 tuổi cũng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, côn đồ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong cơ cấu tội phạm, nhóm người trẻ tuổi trở thành tội phạm ngày càng nhiều, trong đó không chỉ có những tội phạm về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng Internet, tội phạm công nghệ cao,...

       Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến như:

  • Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi là người dưới 18 tuổi: Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất một phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
  • Sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu: Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ khiến việc tiếp cận với phim ảnh, trò chơi trên internet rất dễ dàng. Nếu cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, khuyến khích cho con chơi những trò chơi bạo lực thì dễ biến những đứa trẻ thành những đứa trẻ ưa bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Các chương trình trên internet không được chọn lọc dẫn đến việc tiếp thu nhiều thông tin độc hại khiến tâm lý, nhân cách trẻ bị ảnh hưởng. Trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ. Những đứa trẻ như tấm gương phản chiếu của cha mẹ chúng. Bởi vậy để giáo dục được trẻ tốt thì trước hết cha mẹ phải biết sửa mình, phải biết làm gương và tạo ra một môi trường văn minh, lành mạnh.

[Nguồn: Công an tỉnh Thanh Hóa]

  • Thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể: Theo Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan thì trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là còn có trách nhiệm của nhà trường và xã hội, mà cụ thể là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội, các đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện nay, mặc dù có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những “lỗ hổng” trong quá trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chỉ đến khi những đứa trẻ trở nên hư hỏng, thực hiện các hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì mới phát hiện ra nhiều bất cập trong việc giáo dục, quản lý trẻ em và kết quả giải quyết vụ án hình sự cho thấy lỗ hổng cũng như trách nhiệm của người lớn, của cơ quan tổ chức trong hoạt động bảo vệ, giáo dục trẻ em.
  • Chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với các học sinh cá biệt: Chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nội dung giáo dục vẫn nặng về kiến thức mà chưa thật sự chú trọng vấn đề đạo đức, kỹ năng sống và đặc biệt là giáo dục pháp luật. Những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình éo le, bị bạo lực gia đình nếu không được nhà trường và giáo viên quan tâm đúng mức khiến những đứa trẻ đó bị tách khỏi cộng đồng, dễ có những suy nghĩ tiêu cực và nhận thức không đầy đủ về cuộc sống.
  • Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt kết quả cao: Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên còn nhiều bất cập, hạn chế... Chính vì những nguyên nhân này mà ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em; trẻ em thường dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật...

       Để góp phần khắc phục tình trạng người dưới 18 tuổi ngày càng gia tăng, chúng tôi cho rằng cần áp dụng:

       Giải pháp về xây dựng, áp dụng, tuyên truyền pháp luật: Pháp luật về trẻ em là một hệ thống bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Công ước về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự,... và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên còn chưa thực sự được đẩy mạnh, kết quả sau các lần tổ chức, tuyên truyền chưa đọng lại rõ nét.

       Giải pháp đưa ra là cần chú trọng vào cách thức và nội dung tuyên truyền nhẹ nhàng, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, dễ tiếp thu, đi vào nhận thức của thanh, thiếu niên một cách tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải được vận dụng, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ cũng như để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa giáo dục, cải tạo để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

Tổ chức phiên tòa giả định để tuyên truyền về trách nhiệm hình sự của người dưới 16 tuổi cố ý gây thương tích [Nguồn: Kiemsat.vn]

       Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng: Giáo dục tại nhà trường là một môi trường rất quan trọng giúp trẻ nhận thức được các giá trị của đạo đức, văn hóa và có cơ hội thực hành các kiến thức đã học. Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để những đứa trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Khi trẻ em được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, sống có đạo lý thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều.

       Nhà nước cũng cần phải ban hành và thực hiện các quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ nhà mạng, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức phải nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em, nghiêm cấm và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em.

       Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương: Song song với chương trình giáo dục tại nhà trường, gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ; kiểm soát các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhà trường trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.

       Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Ủy ban nhân dân cấp xã phường,.. cần nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ trẻ khi trẻ bị xâm hại đến quyền, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm tạo ra các sân chơi lành mạnh để hướng các em vào một môi trường tốt, tránh xa các tệ nạn xã hội…

       Vấn đề giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân: Gia đình là môi trường tốt nhất, an toàn nhất để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ vị thành niên. Do đó, để có một môi trường tốt thì gia đình phải đảm bảo cả về kinh tế và văn hóa. Các giải pháp về kinh tế, hỗ trợ việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân sẽ góp phần tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Khi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển thì trẻ em có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn. Việc xây dựng một cộng đồng xã hội có nền tảng văn hóa, kinh tế phát triển, con người có tri thức và hiểu biết sẽ tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển và hình thành nhân cách tốt.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin