1. Cho vay với lãi suất bao nhiêu thì xem là cho vay nặng lãi và bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì "cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Dẫn chiếu khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
...”
Do đó, để được xem là cho vay lãi nặng phải thoả mãn 2 điều kiện:
Thứ nhất, trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (lãi suất vượt quá 100%/năm, 8,33%/tháng, 0,278%/ngày)
Thứ hai, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Cách giải quyết trong trường hợp cụ thể của A
Đối với trường hợp của bạn, do bạn bè thân quen nên vào tháng 07/2023, bạn (gọi tắt là A) có cho B vay số tiền 200.000.000 đồng, lãi suất 36%/năm. Tuy nhiên, sau khi bàn giao tiền xong thì đến thời điểm hiện tại, B chưa thanh toán bất cứ khoản nào cho bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
Đầu tiên, bạn có thể tố giác ra Công an đối với B về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây:
…
Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”
Thứ hai, bạn có thể khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền yêu cầu B trả số tiền đã vay cho bạn theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án:
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình."
Tuy nhiên, để khởi kiện, điều quan trọng nhất phải biết chính xác địa chỉ thực tế B đang cư trú. Nếu không biết B đang ở đâu, Toà án sẽ không có cơ sở nhận đơn khởi kiện của bạn. Căn cứ theo Điều 39 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
+ Về lãi suất: Đối với mức lãi 36%/năm, mặc dù cao hơn mức lãi suất do Bộ luật Dân sự quy định 20%/năm nhưng không rơi vào trường hợp cho vay lãi nặng
+ Về chứng cứ chứng minh giao dịch vay tiền:
Các bên có ký hợp đồng vay hay giấy vay tiền gì không, nếu chỉ cho vay bằng hình thức miệng thì bạn sưu tập các tài liệu chứng cứ chứng minh tồn tại giao dịch vay tiền trên thực tế như: sao kê giao dịch ngân hàng (nếu chuyển khoản), biên nhận giao tiền (tiền mặt) hoặc ghi âm, tin nhắn qua các ứng dụng mạng xã hội hay các phương tiện điện tử khác thể hiện bạn đã cho B vay tiền. Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
- Vật chứng;
- Lời khai của đương sự;
- Lời khai của người làm chứng;
- Kết luận giám định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
- Văn bản công chứng, chứng thực;
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”
+ Về thời hạn trả nợ: nếu cho vay tiền nhưng không ghi thời hạn trả nợ thì theo quy định của quy định pháp luật hướng dẫn như sau:
Theo quy định tại Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:
“Điều 469. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
“…
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Dẫn chiếu đến Điểm a Khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định:
“Điều 6. Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả
…
3. “Thời gian chậm trả” hướng dẫn tại các điều 3, 4 và 5 Nghị quyết này được xác định như sau:
a) Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 của Bộ luật Dân sự năm 1995, Điều 477 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 469 của Bộ luật Dân sự năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo;
…”
Căn cứ theo quy định trên, thời hạn trả nợ sẽ được xác định theo mốc thời gian bạn thông báo đòi nợ. Thời hạn trả tiền là không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo.
Lưu ý: Thông báo yêu cầu trả nợ (đòi nợ) nên lập bằng văn bản, bởi việc thông báo bằng miệng sẽ không đủ để làm căn cứ pháp lý.
Tuy nhiên, nếu khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền giải quyết thì bạn nên khởi kiện đưa về mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành quy định là 20%/năm. Và để đảm bảo khả năng thu hồi tiền cao thì bạn phải đảm bảo B còn tài sản. Sau khi Toà giải quyết, ra bản án có hiệu lực pháp luật, nếu B còn tài sản sẽ yêu cầu thi hành án tài sản của B.
3. Chúng tôi gợi ý bộ hồ sơ khởi kiện hoàn chỉnh cho Quý khách hàng
- Đơn khởi kiện;
- Đơn yêu cầu không hoà giải (nếu không muốn hoà giải tại Trung tâm hoà giải đối thoại trước khi Toà án thụ lý đơn khởi kiện);
- Giấy cam kết địa chỉ bị đơn cư trú (trường hợp không biết chính xác địa chỉ thực tế bị đơn cư trú, chỉ biết địa chỉ nơi cư trú cuối cùng hoặc địa chỉ trên CCCD để yêu cầu Toà án xác minh);
- Cung cấp các giấy tờ, tài liệu về giao dịch vay tiền bao gồm:
- CCCD của người khởi kiện (sao y)
- Giấy tờ tuỳ thân của người bị kiện (sao y, CCCD, CMND, bằng lái xe, hộ chiếu…)
- Giấy tờ thể hiện quan hệ vay mượn (tồn tại dưới nhiều hình thức: giấy cam kết mượn nợ, giấy cam kết trả nợ, hợp đồng vay tiền, xác nhận qua tin nhắn hoặc có thể giao dịch bằng miệng nhưng hình thức này cần nhiều chứng cứ chứng minh, sao kê ngân hàng trong trường hợp chuyển khoản, biên nhận giao tiền trong trường hợp đưa tiền mặt)
- Giấy uỷ quyền (khi uỷ quyền cho người khác đi nộp đơn khởi kiện….).
Trên đây là ý kiến tư vấn của Chúng tôi liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật tại thời điểm tư vấn. Hy vọng những giải thích này sẽ hữu ích cho bạn.
Để được hỗ trợ tốt nhất trong các vấn để liên quan đến nội dung trên. Quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (Địa chỉ: số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Thành phồ Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline 0939 07 2345.
Cảm ơn Quý khách hàng đã lựa chọn Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn...
Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...
Khi bắt đầu quyết định kinh doanh một lĩnh vực nào đó, lựa...
Việc thành lập doanh nghiệp được xem là một trong những bước...
GIẢI VÔ ĐỊCH SÂN 5 – TRANH CÚP DIGITAL MARKETING LẦN 3