0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG VÀ TRÁCH NHIỆM KHI VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Ngày đăng Ngày 17
9/2021

       “Phòng vệ chính đáng” là thuật ngữ rất quen thuộc hay được sử dụng trong lĩnh vực Hình sự. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng hiểu phòng vệ chính đáng là gì? Và khi nào được xem là phòng vệ chính đáng? Trong trường hợp có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?... Trong bài viết này, Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

       Trước hết, nói về hành vi phòng vệ chính đáng, Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định như sau:

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.

       Giải thích về Điều 22 này, chúng ta có thể hiểu một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi hội đủ các yếu tố sau:

+ Về phía nạn nhân (người bị chết hoặc người bị thương tích) phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải có tính chất nguy hiểm đáng kể. Khi xét hành vi xâm phạm trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải xem xét trong mối tương quan với hành vi chống trả, không phải bất cứ hành vi tội phạm nào xảy ra, người có hành vi chống trả gây chết người hoặc gây thương tích cho người có hành vi xâm phạm đều là phòng vệ chính đáng.

+ Về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho người có hành vi xâm phạm.

+ Hành vi chống trả phải cần thiết: Cần thiết không có nghĩa là ngang bằng theo cách xác định như toán học. Sự chống trả cần thiết trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm, tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ

       Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác. Phòng vệ chính đáng còn là quyền của con người chứ không chỉ là nghĩa vụ nên không yêu cầu phương pháp, phương tiện của người phòng vệ phải như phương pháp, phương tiện mà người tấn công sử dụng

       Ví dụ: Trong cuộc xô xát giữa hai người bạn với nhau. Một người có hành vi dùng tay, chân để đánh đấm người còn lại. Do bức xúc cũng như bị đánh quá đau, người còn lại đã dùng gậy/dao/mác để chống trả, gây thương tích cho người ban đầu. Trong trường hợp này, người chống trả được xác định là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, do có hành vi đáp trả không tương xứng, không xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công.

     

(Ảnh minh họa – Lãnh án vì giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nguồn: Báo Gia Lai điện tử)

       Trong phòng vệ chính đáng, phải xuất phát từ hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân trước nên mới xuất hiện hành vi đáp trả. Để xác định như thế nào là “chống trả lại một cách cần thiết”, tương xứng với hành vi xâm phạm là một điều rất khó nói, phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, quy định của pháp luật mà một thước đo chuẩn mực chung, buộc tất cả mọi người phải nhận thức được hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi nào là hành vi có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của rngười khác và có biện pháp đáp trả tương xứng để không bị xử lý trách nhiệm hình sự.

       Khi một người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác một cách cố ý thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.  Cụ thể Điều luật quy định:

“Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.

=> Dấu hiệu nhận biết của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách quá mức cần thiết, làm cho người có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Theo đó:

- Khách thể của tội phạm: là làm xâm phạm đến quyền được bảo hộ sức khỏe, tính mạng của người khác, xâm phạm quyền phòng vệ chính đáng của con người;

- Mặt khách quan của tội phạm: Tội phạm thể hiện hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà người đó đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể, lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc của người khác. Hành vi được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải thỏa mãn 4 dấu hiệu cơ bản sau đây:

  • Hành vi của nạn nhân là hành vi phạm tội hoặc là hành vi nguy hiểm cho xã hội và trực tiếp xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hơp pháp của công dân.
  • Hành vi xâm hại của nạn nhân phải đang diễn ra, đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc.
  • Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
  • Hành vi phòng vệ( tấn công trở lại) của người phạm tội là quá mức, không tương xứng với hành vi xâm hại của nạn nhân nên làm cho nạn nhân bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe.

- Chủ thể của tội phạm: Người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

* Mức cao nhất của khung hình phạt của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm tương ứng với hậu quả phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.

       Có thể hiểu, khung hình phạt của tội này không cao như hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (khung hình phạt cho hậu quả tương ứng là phạt tù từ 07 năm đến 14 năm). Bởi lẽ như chúng tôi đã để cập ở trên, hành vi phạm tội này xuất phát từ hành vi sai trái của nạn nhân trước, người phạm tội đã đáp trả quá mức cần thiết nên pháp luật đã căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi này để quy định khung hình phạt phù hợp.

       Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng và hậu quả pháp lý khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345 để được giải đáp kịp thời.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin