0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

PHÂN BIỆT TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN và TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày đăng Ngày 30
7/2021

         Trong thực tiễn quá trình hoạt động kể từ khi thành lập cho đến nay, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp khách hàng đến tư vấn, mong muốn chúng tôi hỗ trợ, bảo vệ trong suốt quá trình tố giác tại cơ quan Công an về việc bị người khác vay tiền rồi lừa đảo chiểm đoạt tài sản. Nhưng thực tế, người phạm tội chỉ có hành vi gian dối đối với người bị hại để giãn nợ hoặc có hành vi gian dối để vay được tiền, tài sản hoặc có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đã vay, mượn của người bị hại trước đó. Vậy trường hợp nào thì coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn trường hợp nào thì coi là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

         Dưới đây, chúng tôi đưa ra một số đặc trưng cơ bản về dấu hiệu nhận biết của hai tội phạm này như sau:

  1. Sự giống nhau:
    • Cả Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là “BLHS”) và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS thì mục đích của người phạm tội đều nhắm đến việc chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là hành vi chiếm đoạt lấy, chiếm lấy để nắm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, chuyển quyền sở hữu tài sản từ của người khác sang của mình. Cả hai tội này đều được coi là hoàn thành từ khi chiếm đoạt được tài sản.
    • Chủ thể của cả hai tội là bất kỳ người nào, đủ độ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
    • Mặt chủ quan của tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội đều thấy trước hành vi lừa đảo hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là nguy hiểm cho xã hội, hành vi ấy đều gây thiệt hại cho quyền sở hữu của chủ tài sản, tuy nhiên người phạm tội đều mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác với mục đích vụ lợi.
    • Để truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội này, điều luật đều quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị thấp hơn mức quy định thì đòi hỏi người thực hiện hành vi phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng.
  2. Sự khác nhau:
  • Khác nhau cơ bản nhất của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn của người phạm tội:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

  • Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ.
  • Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có trước khi có được tài sản. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản, là nguyên nhân nhận được tài sản của người khác để chiếm đoạt tài sản ấy.
  • “Thủ đoạn gian dối” ở đây có thể là đưa ra thông tin giả, thông tin không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động …

         Ví dụ: Để chiếm đoạt tiền của khách hàng, ông A đã thành lập Công ty Bất động sản và vẽ “dự án ma” để khách hàng lừa khách hàng chuyển tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

  •  Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối.
  • Sau khi có được tài sản của người khác một cách hợp pháp, ngay thẳng như thông qua việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản hoặc nảy sinh ý định chiếm đoạt Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội xảy ra, có sau khi có được tài sản.
  • Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được coi như là sự bội tín (phản bội lòng tin) của người phạm tội.

         Ví dụ: A viết giây nợ vay của B 500 triệu. Khi đã trả cho B được 100 triệu thì A thấy B giàu có khá giả nên không có ý định trả nữa. B nhiều lần thúc giục thì A trốn tránh, cắt đứt mọi liên lạc với B. 

(Ảnh minh họa)

  • Ngoài ra, giữa hai tội này còn một số điểm khác biệt như:

+  Giá trị tài sản để định tội đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, đối với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là từ 4.000.000 đồn đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Hình phạt quy định với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nặng hơn so với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân; Hình phạt cao nhất với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tù 20 năm.

         Quy định pháp luật là vậy nhưng trên thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất lúng túng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội này mà đến nay vẫn chưa có hướng dẫn.

         Thứ nhất, theo quy định của BLHS về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác là việc “người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”. Vậy thế nào là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản? Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra.

         Đa số các chuyên gia cho rằng, “bỏ trốn” không nhất thiết phải là trốn khỏi địa phương, cũng không cần Cơ quan điều tra phải truy nã, mà chỉ trốn tránh chủ nợ như: Bỏ ra khỏi nhà, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, thay số điện thoại, thay đổi chỗ ở mà không thông báo cho chủ nợ biết… miễn sao tránh mặt được chủ nợ.

         Thứ hai, đối với trường hợp vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Vấn đề sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp cũng có ý kiến khác nhau.

          Có ý kiến cho rằng, chỉ cần xác định sử dụng tài sản đó vào mục đích không được pháp luật cho phép là bất hợp pháp như: Khi vay nói là để đầu tư nuôi tôm nhưng lại đen tiền về cho bên thứ ba vay nặng lãi, do bị “quỵt nợ” dẫn đến không có khả năng trả lại. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, cách hiểu bất hợp pháp như ý kiến trên là quá rộng và cũng không phù hợp với dấu hiệu “chiếm đoạt”, vì người phạm tội không có ý định chiếm đoạt, mà muốn dùng số tiền vay kiếm lời rồi sẽ trả người cho vay. Nhưng nếu dùng số tiền vay được sử dụng vào mục đích phạm tội thì phải coi là bất hợp pháp như: Đánh bạc, buôn lậu, đưa hối lộ… dẫn đến không còn khả năng trả nợ.

         Thứ ba, Điều 175 BLHS về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn quy định: “Đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Tuy nhiên, từ khi BLHS có hiệu lực pháp luật đến nay chưa thấy trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về dấu hiệu trên. Khi đó, các Cơ quan tiến hành tố tụng thường hướng dẫn người dân khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật về dân sự.

         Trên đây là một số đặc trưng cơ bản về dấu hiệu nhận biết của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sảnTội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp sẽ có những phân tích đánh giá cụ thể khác nhau. Vì vậy, để được hỗ trợ một cách tốt nhất về vấn đề mình đang mắc phải, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng hoặc qua Hotline (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

         Chúng tôi rất vui lòng được giải đáp thắc mắc.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin