0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

HÀNH VI GIẢ MẠO CHỮ KÝ CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?

Ngày đăng Ngày 01
10/2021

       Hiện nay, vấn đề giả mạo chữ ký đang được sử dụng rất nhiều trên các loại giấy tờ, ví dụ như việc thực hiện các thủ tục hành chính mà người thân có việc bận nên ký thay hay nhận hộ hàng hóa, thư từ thì người nhận hộ ký thay luôn vào giấy tờ giao hàng, báo phát,…Trong cuộc sống cũng có nhiều trường hợp mọi người ký thay chữ ký người khác hay bị người khác sử dụng chữ ký của mình. Vậy có phải lúc nào thì việc giả mạo chữ ký cũng dẫn đến hành vi phạm tội và nếu có thì hình phạt đối với hành vi làm giả chữ ký này ra sao? Bạn đọc có thể tham khảo bài viết của Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners dưới đây.

       Không phải mọi trường hợp giả mạo chữ ký đều vi phạm pháp luật, mà phải tùy thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi này gây ra. Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật giả mạo chữ ký người khác có thể bị xử lý hành chính, bao gồm hình phạt chính là phạt tiền (mức xử phạt tiền phụ thuộc vào từng lĩnh vực mà người đó giả mạo chữ ký) và các hình phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Ảnh minh họa)

       Pháp luật hiện hành có những quy định liên quan đến hành vi giả mạo chữ ký như sau:

Thứ nhất, các hành vi giả mạo chữ ký bị xử phạt vi phạm hành chính:

1. Giả mạo chữ ký trong hoạt động chứng thực

  • Hành vi  giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

       Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm này;

(quy định tại Khoản 3, 4 Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp)

  • Hành vi “Giả mạo chữ ký của công chứng viên” trong hoạt động hành nghề công chứng sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng;

       Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm này;

(quy định tại Điều b Khoản 6, Điểm c Khoản 9 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

  • Hành vi “Giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực” trong hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

(quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 34 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

2. Giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm

  • Hành vi “giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

       Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là phiếu yêu cầu đăng ký, văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự đối với hành vi trên.

(quy định tại Khoản 2, 3 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

3. Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

       Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cụ thể là trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, người nào có hành vi “giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm” của do tác giả sáng tác ra thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. 

       Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm nêu trên.

(quy định tại Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan)

4. Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán

       Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, người nào thực hiện hành vi giả danh người có thẩm quyền ký hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền để ký vào chứng từ kế toán thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

(quy định tại Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập)

Thứ hai, các hành vi giả mạo chữ ký bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

1. Giả mạo chữ ký nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản

       Hành vi giả mạo chữ ký và giấy tờ để thực hiện các giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản; di sản thừa kế; thực hiện các hợp đồng mua bán, tặng cho một cách gian dối, chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc bên thứ 3,.. thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể Điều này quy định:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”

Để xem xét, xác định làm rõ hành vi giả mạo chữ ký phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần có đủ các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội sau:

  • Yếu tố chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi giả mạo chữ ký để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
  • Yếu tố chủ quan: Hành vi giả mạo là cố ý, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối là giả mạo chữ ký của người khác nhằm làm cho người bị hại tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Người phạm tội lường trước được hậu quả của mình là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện, mong muốn hậu quả đó xảy ra;
  • Yếu tố khách thể: là quyền sở hữu tài sản của người khác. Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị thấp hơn mức quy định thì đòi hỏi người thực hiện hành vi phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng

2. Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn

       Hành vi này được quy định tại Điều 359 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể:

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

...

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Để xem xét, xác định làm rõ hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà phạm tội, cần có đủ các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội sau:

  • Yếu tố chủ thể: Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này phải là người có chức vụ, quyền hạn ở trong một lĩnh vực nào đó, đủ điều kiện về độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự;
  • Yếu tố chủ quan: Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp bởi xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc là vì động cơ cá nhân, nên sẽ thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền dẫn đến hậu quả cho xã hội;
  • Yếu tố khách thể: Tác động làm sai lệch,tài liệu, giấy tờ của cá nhân cơ quan tổ chức, làm mất uy tín đến cá nhân tổ chức có tài liệu đó.

       Trên đây đây là tổng hợp các hành vi vi phạm pháp luật khi giả mạo chữ ký của người khác. Việc giả mạo chữ ký không nhằm các mục đích trên, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác sẽ không bị xử lý theo quy định của pháp luật, ví dụ như ký nhận thư từ, hàng hóa,... Tuy nhiên, mọi người nên có ý thức cảnh giác khi được người khác nhờ ký hộ giấy tờ, giả mạo chữ ký bởi đôi khi hành vi này mang lại những hậu quả nghiêm trọng.

       Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn hỗ trợ, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

 

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin