Chơi hụi – Mặt tích cực và nguy cơ tiềm ẩn
0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Chơi hụi – Mặt tích cực và nguy cơ tiềm ẩn

Ngày đăng Ngày 09
6/2023

       Trong suốt thời gian hoạt động của NGUYỄN TÂM & PARTNERS LAWFIRM, chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn của khác hàng về vấn đề chơi hụi. Trong đó, Chơi hụi là gì? Pháp luật có cấm không? là 02 câu hỏi mà đa số khách hàng có cùng thắc mắc. Vì vậy thông qua nội dung bài viết, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn đọc, quý Khách hàng một số quy định của pháp luật xoay quanh hình thức này.

       Về khái niệm, chơi hụi (tên gọi khác họ, biêu, phường) là một hình thức huy động vốn theo tập quán trong dân gian Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, một người đứng ra làm chủ và con hụi là các thành viên khác cùng chơi. Chủ hụi có trách nhiệm thu tiền hoặc tài sản của con hụi. Một “dây hụi” có thể không giới hạn người chơi, tự thỏa thuận về số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi… đã được quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP về Họ, hụi, biêu, phường. Như vậy, pháp luật không cấm chơi hụi, thậm chí xác định đây là một hình thức được đặt ra “nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân” nhưng phải thực hiện theo quy định của pháp luật, trường hợp việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

       Hiện nay, chơi hụi được thực hiện theo 02 phương thức:

       1/ Chơi hụi không lãi

      Cách chơi này thường dành cho những người thân quen, bạn bè thân thiết với nhau, mang bản chất như một thỏa thuận cho vay tiền không có lãi, chủ hụi có thể có hoặc mọi người đều là con hụi.

        Ví dụ: Có 06 bạn đồng nghiệp trong một công ty thỏa thuận với nhau mở một dây hụi. Vào ngày 01 dương lịch mỗi tháng, mỗi người sẽ góp 1.000.000 đồng vào “quỹ hụi”, tổng thời gian góp của dây hụi này tương đương với số người tham gia là 06 tháng, mỗi tháng mở hụi 01 lần.

        Theo đó, mỗi tháng sẽ có:

  • 06 người x 1.000.000 đồng/người = 6.000.000 đồng trong quỹ hụi; và
  • 6.000.000 đồng trong quỹ hụi này sẽ được 01 người nhận (“hốt hụi”)

     Cứ thế xoay vòng đủ 06 người trong 06 tháng thì dây hụi kết thúc.

        Do đó, chơi hụi theo cách này thì người nhận tiền đầu tiên là người có lợi nhất. Họ sẽ nhận được 6.000.000 đồng ngay vào tháng đầu tiên và chỉ phải trả 6.000.000 đồng đó qua 06 tháng, mỗi tháng 1.000.000 đồng. Bản chất chơi hụi trong trong trường hợp này giống như vay trả góp không lãi suất hay như được bạn bè cho mượn tiền.

        2/ Chơi hụi có lãi

        Cách chơi hụi có lãi cũng là một hình thức hỗ trợ tài chính lẫn nhau, nhưng có các khoản lãi theo thỏa thuận.

       Tương tự như ví dụ trên, có một người thứ 7 đứng ra làm chủ hụi đứng ra gom tiền của các con hụi, số tiền, kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi giống như cũ.

       Tuy nhiên mỗi tháng, nếu ai trong dây hụi cần tiền thì đặt ra mức lãi, giống như một hình thức đấu giá, ai trả giá cao sẽ thắng, người đặt lãi cao nhất sẽ là người được hốt hụi (Hụi đã hốt mọi người thường gọi là “hụi chết”). Trường hợp người đó muốn hốt hụi mà có người đặt lãi cao hơn, họ có thể thỏa thuận với người này để mình là người hốt hụi. Và giả sử có nhiều người đặt lãi cao bằng nhau thì các bên sẽ bốc thăm người hốt hụi, hoặc các bên có thể chọn một cách thỏa thuận khác. Để rõ hơn, Điều 20 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP về Họ, hụi, biêu, phường có quy định về Thứ tự lĩnh họ trong họ có lãi như sau:

“1. Thành viên lĩnh họ trong từng kỳ mở họ là người đưa ra mức lãi cao nhất, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong một kỳ mở họ mà có nhiều thành viên cùng trả một mức lãi và mức lãi đó là mức lãi cao nhất thì những người này bốc thăm để xác định thành viên lĩnh họ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Thành viên đã lĩnh họ không được đưa ra mức lãi trong các kỳ mở họ tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trường hợp một thành viên góp nhiều phần họ trong mỗi kỳ mở họ thì thành viên này có quyền đưa ra mức lãi cho đến khi có số lần lĩnh họ tương ứng với số phần họ mà thành viên đó góp họ trong một kỳ mở họ”.

        Tương tự với các tháng về sau, ai cần tiền thì đặt lãi để hốt hụi. Người nào hốt rồi thì qua lượt đến lượt những người còn lại, tức là mỗi người chỉ được hốt hụi lần duy nhất trong dây hụi đó. Mức lãi mỗi tháng sẽ được tính cho những người chưa hốt hụi còn lại (tức là trừ “hụi chết”).

        Có thể lập thành bảng ví dụ như sau:

Đơn vị tính: Đồng

 

Chị A

Chị B

Chị F

Chị C

Chị B

Chị E

Tháng I

Đặt lãi

90.000

60.000

0

80.000

70.000

10.000

Số tiền đóng

1.000.000

910.000

910.000

910.000

910.000

910.000

Tháng II

Đặt lãi

-/-

120.000

80.000

20.000

0

70.000

Số tiền đóng

1.000.000

1.000.000

880.000

880.000

880.000

880.000

Tháng III

Đặt lãi

-/-

-/-

40.000

20.000

10.000

30.000

Số tiền đóng

1.000.000

1.000.000

1.000.000

960.000

960.000

960.000

Tháng IV

Đặt lãi

-/-

-/-

-/-

50.000

30.000

45.000

Số tiền đóng

1.000.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

950.000

950.000

Tháng V

Đặt lãi

-/-

-/-

-/-

-/-

100.000

90.000

Số tiền đóng

1.000.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

900.000

Tháng VI

Đặt lãi

-/-

-/-

-/-

-/-

-/-

0

Số tiền đóng

1.000.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

1.000.000

Tổng số tiền đóng hụi

6.000.000

5.910.000

5.790.000

5.750.000

5.700.000

5.600.000

Tổng số tiền hốt hụi

6.000.000 - 90.000 x 5 người = 5.550.000

6.000.000 – 120.000 x 4 người = 5.520.000

6.000.000 – 40.000 x 3 người = 5.880.000

6.000.000 – 50.000 x 2 người = 5.900.000

6.000.000 – 100.000 x 2 người = 5.900.000

6.000.000

 

       Ngược lại với cách chơi hụi không có lãi, ở cách chơi này, người nhận tiền đầu tiên là người mất nhiều lãi nhất và người nhận tiền cuối cùng là người có lợi nhất. Tuy nhiên đúng như nguyên tắc "high risk, high return", nghĩa là “rủi ro cao, lợi nhuận nhiều”, người càng đợi hưởng lãi từ hụi sẽ càng đối diện với rủi ro bể hụi hoặc bị giật hụi.

       Bên cạnh đó, Điều 21 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP còn quy định về Lãi suất trong họ có lãi như sau:

“1. Lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.

2. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

(Hình minh họa – Nguồn: Sưu tầm)

       Do chơi hụi được hình thành chủ yếu ở niềm tin giữa những người chơi với nhau, hàng tháng bỏ ra một khoản tiền để tiết kiệm bằng hình thức hụi và đợi đến lượt được hốt hụi theo xoay vòng. Vì vậy, đây chính là điều kiện, cơ hội để khi tổ chức đường dây hụi, nhiều chủ hụi đã lợi dụng “ôm” số tiền do các thành viên đóng góp “cao chạy, xa bay” hoặc tiêu xài cá nhân hết số tiền này và tuyên bố vỡ hụi, không có khả năng chi trả cho các thành viên. Hay cũng có các tổ chức tín dụng đen lợi dụng hình thức chơi hụi này biến tướng thành cái gọi là “bốc bát họ”. Về hình thức thì giống như chơi hụi nhưng lãi suất rất cao và thời gian trả góp cực kỳ ngắn. Điều này làm cho chơi hụi không còn là một hình thức góp vốn để các thành viên san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mà đã biến tướng nguy hiểm thành hành vi vi phạm pháp luật:

  • Hành vi lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

       + Thủ đoạn đối tượng thực hiện là ban đầu thu hút người chơi bằng cách trả lãi cao và thanh toán sòng phẳng nhằm tạo uy tín; khi đã gom được số tiền lớn thì tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng chi trả cho người chơi hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt.

       + Thủ đoạn khác các đối tượng thực hiện là lập ra đồng thời nhiều dây hụi, tự dựng lên danh sách người chơi là những người có uy tín, có địa vị xã hội, có nhiều tài sản nhằm tạo lòng tin để bị hại tham gia góp tiền. Khi đến lượt bị hại hốt hụi thì chủ hụi lại thuyết phục bán lại quyền lấy hụi với giá cao. Nhiều người thấy lợi ích trước mắt đã đồng ý, thậm chí vận động thêm những người khác cùng tham gia để hưởng chênh lệch. Thực tế, số tiền hốt hụi mua lại từ người chơi chủ hụi đã tiêu xài cá nhân, cho vay nặng lãi hoặc tẩu tán bằng cách mua tài sản đứng tên người khác,…

  • Hành vi cho vay lãi nặng: biến tướng thành cái gọi là “bốc bát họ” như chúng tôi đã đề cập ở trên.

       Chúng tôi quan điểm rằng, không phải người chơi hụi không biết nguy cơ, rủi ro khi tham gia vào hoạt động huy động tín dụng hình thành trên nền tảng gói gọn trong một chữ “tín” mà không có sự bảo hộ, bảo vệ và kiểm soát đủ mạnh của chế tài pháp luật. Biết là rủi ro song hụi vẫn là một kênh vốn hấp dẫn đối với rất nhiều người, nhất là những người thu nhập thấp - đối tượng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi tín dụng đen hay hụi luôn “chào đón” họ bằng những thủ tục tối giản. Chính vì thế, chơi hụi tồn tại như một thực tế khách quan trong cuộc sống bất chấp những quy định và chế tài xử lý cũng như sự cảnh báo, răn đe của pháp luật.

       Để giảm thiểu rủi ro cũng như thể hiện vai trò quản lý Nhà nước trước hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 144/2006/NĐ-CP quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Tuy nhiên, văn bản pháp lý này vẫn chưa đủ hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người chơi trong trường hợp xảy ra giật hụi, vỡ hụi. Nhằm khắc phục tình trạng này, ngày 19/02/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP có những quy định cụ thể hơn từ nguyên tắc tổ chức hụi, điều kiện chơi đến văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên… Trong đó, nêu rõ các ràng buộc pháp lý và sự tham gia giám sát của chính quyền. Thế nhưng, vì là hoạt động tín dụng tự phát, tự nguyện và tự thỏa thuận và do ý thức chủ quan của người dân nên công tác phòng ngừa, ngăn chặn triệt để đối với hành vi vi phạm pháp luật từ chơi hụi của lực lượng chức năng là rất khó khăn, đa số các vụ việc khi đã xảy ra lừa đảo, giật hụi, người dân tố cáo thì lực lượng chức năng mới vào cuộc.   

       Trong thực tế, để không trở thành nạn nhân của nạn “giật hụi”, “vỡ hụi”, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tiền và tài sản của chính mình; xem xét kỹ khi quyết định tham gia vào các dây hụi, tránh tâm lý ham lợi trước mắt bởi những thủ đoạn lừa đảo của chủ hụi dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”. Đồng thời, thỏa thuận về dây hụi cũng cần phải lập thành văn bản, phải được công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 7 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP để có cơ sở được pháp luật bảo vệ.

       Trường hợp còn thắc mặc hoặc yêu cầu tư vấn pháp luật, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

Bài viết liên quan

TỘI ĐÁNH BẠC THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin