0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Ngày đăng Ngày 12
10/2023

       Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, nó có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo hiệu lực thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án. Tuy nhiên, khi Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành Bản án, Quyết định dân sự của Toà án, thì gặp phải không ít trường hợp chống đối quyết liệt của người phải thi hành án. Do vậy, để cho Bản án, Quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế một cách nghiêm minh, mang tính thượng tôn pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì khi hết thời gian tự nguyện thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

       Liên quan đến vấn đề này, Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners chia sẻ đến quý Khách hàng một số quy định của pháp luật như sau:

       I/ Quy trình thi hành án dân sự:

       Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS) quy định: Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.

       Theo đó:

  • Bước 1: Người được thi hành án, người phải thi hành án phải làm “Đơn yêu cầu thi hành án” có các nội dung chính gồm: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; Nội dung yêu cầu thi hành án; Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và gửi đến Cơ quan thi hành án dân sự cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 Luật THADS.

Điều 35 Luật THADS quy định:

Điều 35. Thẩm quyền thi hành án

1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương[28] nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[29] đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương[30] nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

c)[31] Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

2.[32] Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn;

b) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao;

c) Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

d) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;

e) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh[33];

g) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;

h) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

i) Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.

3. Cơ quan thi hành án cấp quân khu có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên địa bàn;

b) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự khu vực trên địa bàn;

c) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự trung ương chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

d)[34] Quyết định dân sự của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

đ) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp quân khu khác ủy thác.

  • Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được bản án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án. Ngoài ra, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự còn có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án trong các trường hợp:

+ Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;

+ Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

+ Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;

+ Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

+ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

+ Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

  • Bước 3: Người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày được nhận hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) để tự nguyện thi hành án.
  • Bước 4: Hết thời hạn 10 ngày kể trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự thì bị cưỡng chế thi hành án.

     Lưu ý: Cơ quan thi hành án không được tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

 

     II/ Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

     Khoản 1 Điều 66 THADS quy định: Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

     Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:

     1. Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Điều 67 Luật THADS quy định về biện pháp “Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ” như sau:

  • Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.
  • Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. 

+ Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.

+ Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. 

Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

     Lưu ý: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật THADS.

     2. Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

     Căn cứ Điều 68 Luật THADS, biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự để bảo đảm thi hành án dân sự được quy định như sau:

  • Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. 

     Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.

  • Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. 

+ Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

+ Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.

+ Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

  • Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. 

     Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.

  • Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

      Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Lưu ý:

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV Luật THADS.
  • Trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.

     3. Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

     Điều 69 Luật THADS quy định  biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản như sau:

  • Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.
  • Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.
  • Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản.

     Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV Luật THADS.
  • Trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

 

III/ Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

Điều 71 Luật THADS quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm:

  1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Quy trình thi hành án theo yêu cầu

       Trên đây là một số quy định của pháp luật về quy trình và các biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự mà Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners chia sẻ đến quý Khách hàng. Trường hợp còn thắc mắc muốn được giải đáp hoặc có nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi:

Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners

     Trụ sở: 474/10 Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh

     Chi nhánh: 37 Tân Thới Hiệp 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh

     Hotline: 028.6682.3286 – 0939.07.2345

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin