0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

AI ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO DI CHÚC?

Ngày đăng Ngày 20
8/2021

       Như bài viết chúng tôi đã chia sẻ đến bạn đọc về Thừa kế theo pháp luật Việt Nam thì mỗi cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình sau khi chết bằng việc lập di chúc (chỉ định người được hưởng thừa kế) hoặc để lại khối tài sản đó cho những người thừa kế do pháp luật chỉ định. Tương ứng với việc này sẽ có 02 hình thức thừa kế là: (1) Thừa kế theo di chúc và (2) Thừa kế theo pháp luật.

       Như vậy, khi một người lập di chúc (hợp pháp) thì di sản thừa kế của người đó sẽ được phân chia theo nội dung di chúc. Những người được chỉ định hưởng di sản theo di chúc sẽ được nhận thừa kế theo di chúc đó.

       Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

       Tức là ngay cả khi người lập di chúc không chỉ định những người này được hưởng di sản trong di chúc, hoặc có chỉ định họ được hưởng di sản trong di chúc nhưng phần được hưởng ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Khi đó, phần di sản mà được nhận sẽ bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

       Chúng tôi đưa ra một ví dụ cụ thể để minh họa cho nội dung quy định này như sau:

Ông X và bà M là vợ chồng hợp pháp. Trong thời kỳ hôn nhân, ông bà có 03 người con chung là E, D, C (ngoài ra ông X không có con nuôi, con ngoài giá thú nào khác) và một khối tài sản chung là căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại quận Bình Thạnh, Tp. HCM có giá trị ước tính khoảng 8.800.000 (tám tỷ tám trăm triệu) đồng cùng với số tiền tiết kiệm 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng; không có nghĩa vụ về tài sản với ai.

Vì một lần gặp nạn được cụ Y giúp đỡ thoát chết nên ông X rất biết ơn. Ngày 03/01/2019, ông X công chứng di chúc có nội dung để lại toàn bộ tài sản của mình cho cụ Y được hưởng sau khi ông chết.

Ngày 03/5/2020, ông X qua đời và di chúc nói trên là di chúc duy nhất của ông.

       Theo sơ đồ ở trên về quan hệ nhân thân của ông X, áp dụng quy định của pháp luật về thừa kế, khối di sản của ông X được phân chia như sau:

(1) Về thời điểm mở thừa kế:

       Căn cứ Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật dân sự.” Như vậy, thời điểm mở thừa kế là lúc người để lại di sản (ông X) qua đời (thời điểm này được xác định dựa trên Giấy chứng tử của ông X).

(2) Về di sản thừa kế:

       Căn cứ Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác."

       Áp dụng quy định của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng thì tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng được chia đôi mỗi người sở hữu một nửa.

       Như vậy, khối di sản thừa kế mà ông X để lại sau khi chết là: 1/2 x (giá trị căn nhà + số tiền tiết kiệm). Tạm tính thành tiền là 5.400.000.000 (năm tỷ bốn trăm triệu) đồng.

(3) Người được hưởng thừa kế:       

       Trong nội dung di chúc của ông X được công chứng ngày 03/01/2019, ông X chỉ định người được hưởng toàn bộ tài sản của mình để lại sau khi chết là cụ Y. Tuy nhiên, áp dụng quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 dẫn chiếu ở trên, sẽ có 05 người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc, bao gồm:

  • Cha mẹ                              : ông A và bà B;
  • Vợ                                     : bà M;
  • Con chưa thành niên         : anh C.

       Đồng thời, điều luật quy định phần di sản mà mỗi người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc được nhận là bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

       Suất thừa kế của một người thừa kế theo pháp luật được tính như sau:

       Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất của ông X gồm: vợ (bà M), cha đẻ (ông A), mẹ đẻ (bà B), con đẻ (chị E, anh D, anh C).

       Nhưng do chị E chết trước ông X nên áp dụng quy định của Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 về Thừa kế thế vị: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;...”. Do đó, 02 người Cháu 1 và Cháu 2 sẽ được hưởng 01 suất thừa kế của mẹ.

       Như vậy:

- Suất thừa kế của một người thừa kế theo pháp luật sẽ là:

  5.400.000.000 đồng) : [bà M + ông A + bà B + anh C + anh D + (Cháu 1 và Cháu 2)] = 900.000.000 đồng.

- Phần di sản của mỗi một người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc được hưởng là:

900.000.000 đồng x 2/3 = 600.000.000 đồng.

- Phần di sản thừa kế cụ Y được hưởng do được ông X để lại di chúc là;

5.400.000.000 đồng – (600.000.000 đồng x 4 người) = 3.000.000.000 đồng.

       Lưu ý: Ví dụ trên được chúng tôi đưa ra trên giả định không có người nào từ chối nhận di sản thừa kế và họ đều là những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, Khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (tại Khoản 1 Điều này) “không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.

       Trên đây là quy định của pháp luật về quyền hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Trong trường hợp người khai nhận di sản cố tình hoặc khai sót hàng thừa kế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, quý Khách hàng có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

       Để được hỗ trợ tốt nhất trong trường hợp này, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin