Trả lời:
KHAI THỪA KẾ TRONG TRƯỜNG HỢP CÓ NGƯỜI THỪA KẾ BIỆT TÍCH
Cảm ơn Quý khách hàng đã lựa chọn Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn Tâm & Partner làm nơi tư vấn pháp lý. Đối với vướng mắc của Quý khách hàng, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:
► Thứ nhất: Theo thông tin mà Quý khách cung cấp thì nhà, đất là tài sản của mẹ bạn để lại và sẽ được phân chia di sản thừa kế, mẹ bạn không để lại di chúc hợp lệ nên tài sản của mẹ bạn sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.
- Điều kiện phát sinh chia thừa kế theo pháp luật:
+ Không có di chúc;
+ Di chúc không hợp pháp;
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản
- Căn cứ tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
=> Như vậy, phần di sản của mẹ bạn để lại (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Ông bà ngoại bạn (nếu còn sống), bố bạn (nếu còn sống), anh trai bạn và bạn. Những người được nêu trên được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu trường hợp bố bạn và ông bà ngoại đã mất từ lâu trước khi mẹ bạn mất thì tài sản của mẹ bạn sẽ được phân chia thành hai phần bằng nhau cho bạn và anh trai bạn.
► Thứ hai: Về việc anh trai bạn (một trong những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất) đi nước ngoài từ năm 1997 và gia đình bạn đã mất liên lạc từ đó đến nay.
Do việc anh trai bạn đang biệt tích nên việc phân chia di sản thừa kế của mẹ bạn hiện nay chưa thể tiến hành phân chia được, do chưa thể xác định anh bạn đang ở đâu, còn sống hay đã mất. Trong trường hợp này, bạn cần thực hiện việc yêu cầu Tòa án tuyên bố anh trai của bạn đã chết nếu anh của bạn đã biệt tích hơn 20 năm như bạn trình bày.
- Điều kiện tuyên bố đã chết như sau: (Căn cứ Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015)
+ Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
+ Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
+ Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Ảnh minh họa!
Căn cứ khoản 2 Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015: “Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Như đã phân tích ở trên, lúc này anh trai bạn không còn bất kỳ ai trong hàng thừa kế thứ nhất còn sống, chỉ còn bạn là người thân duy nhất trong hàng thừa kế thứ hai còn sống nên bạn sẽ là người được hưởng thừa kế phần của anh trai mình trong khối di sản mà mẹ bạn để lại.
=> Lúc này, bạn có thể tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế của mẹ bạn để lại và cả phần mà anh trai bạn hưởng thừa kế.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Chúng tôi liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật tại thời điểm tư vấn. Hy vọng những giải thích này sẽ hữu ích cho bạn.
Trong quá trình Quý khách làm hồ sơ, nếu có bất kỳ khó khăn nào có thể liên hệ với chúng tôi qua Hotline (028) 6682 3286 - 0939 07 2345 để được tư vấn cụ thể trình tự thực hiện và cung cấp dịch vụ pháp lý một cách tốt nhất nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.
Bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết các Quy định của pháp luật về thừa kế tại >>> http://congtyluatnguyentam.com.vn/phap-luat-viet-nam-ve-thua-ke.html