XÂY NHÀ TẠM TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ĐÃ NỘP PHẠT THÌ CÓ GIỮ LẠI ĐƯỢC NHÀ?
0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

XÂY NHÀ TẠM TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ĐÃ NỘP PHẠT THÌ CÓ GIỮ LẠI ĐƯỢC NHÀ?

Ngày đăng Ngày 21
6/2023

 XÂY NHÀ TẠM TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ĐÃ NỘP PHẠT THÌ CÓ GIỮ LẠI ĐƯỢC NHÀ?

      1. Xây nhà tạm trên đất nông nghiệp có được không?

      Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất nông nghiệp có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đúng mục đích sử dụng đất, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

      Mục đích sử dụng đất được ghi rõ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ giao đất khác, người sử dụng đất không được làm trái với mục đích ghi trên các loại giấy tờ này.

      Như vậy đất nông nghiệp được sử dụng với mục đích là sản xuất nông nghiệp, mọi hoạt động sử dụng trái với mục đích sử dụng trên là không được phép, kể cả việc xây dựng nhà tạm trên đất nông nghiệp.

      

Ảnh minh họa!

      2. Nếu đã tồn tại nhà tạm trên đất nông nghiệp, chấp nhận nộp phạt thì có giữ lại nhà được không?

      Một trong những nguyên tắc khi sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích. Hay nói cách khác, phải sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

      Căn cứ Điều 9, 10, 11 và Điều 12 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, khi sử dụng đất sai mục đích (tự ý chuyển đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở bằng hành vi dễ nhận thấy nhất là xây nhà trên đất không phải là đất ở) thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

      Tùy vào loại đất, diện tích vi phạm và đối tượng thực hiện hành vi vi phạm (là tổ chức hoặc cá nhân) mà mức phạt trong từng trường hợp là khác nhau.

      Biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu có nghĩa là phải tháo dỡ nhà ở (nếu có) vì sử dụng đất sai mục đích.

      Không chỉ tại Nghị định xử lý vi phạm hành chính về đất đai (Nghị định 91/2019/NĐ-CP) mới quy định biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, mà tại Điều 92 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định rõ về các trường hợp nhà ở phải phá dỡ, cụ thể:

“1. Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

2. Nhà ở thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.

3. Nhà ở thuộc diện phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Nhà ở thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

      Như vậy, khi xây nhà trên đất nông nghiệp thì không được nộp phạt để tồn tại. Hay nói cách khác, nếu xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp thì bắt buộc phải tháo dỡ, nếu không tự nguyện phá dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Nếu muốn không bị xử phạt và cưỡng chế tháo dỡ thì trước tiên phải xin chuyển mục đích sử dụng đất.

      3. Thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở?

      Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất để xây dựng nhà ở phải được sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

      Theo đó, đất được chuyển đổi mục đích sử dụng là đất có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm và nhu cầu sử dụng đất thực tế; không nằm trong các quy hoạch không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở địa phương; được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện chuyển đổi.

  • Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: (Căn cứ Điều 59 Luật đất đai 2013 và Quyết định số: 2555/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

- UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

- UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

  • Trình tự thực hiện: (Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân)

- Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hồ sơ gồm:

      + Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;

      + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

      Trong quá trình soạn thảo và thực hiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, nếu có bất kỳ vướng mắc nào đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Hotline (028) 6682 3286 - 0939 07 2345 để được tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho Khách hàng.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin