Xử lý trường hợp người bị xử án treo tự ý rời khỏi nơi cư trú
0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Xử lý trường hợp người bị xử án treo tự ý rời khỏi nơi cư trú

Ngày đăng Ngày 08
11/2021

     Như chúng tôi đã đăng tải tại bài viết ÁN TREO - ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ÁP DỤNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT, Án treo là một chế định của pháp luật hình sự có điều kiện áp dụng tương đối khắc khe và người bị kết án được tự do trong sự giám sát, quản lý, giáo dục của địa phương, nơi công tác; không có sự cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội và vẫn giữ các quyền tư do tương đối với người phạm tội trong thời gian nhất định.

     Vậy người được hưởng án treo đang trong thời gian thi hành án có được rời khỏi nơi cư trú hay không? Đây là cũng là thắc mắc của anh N.H.M gửi về Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners tuần qua.

     Cụ thể, anh M hỏi: Tôi đang bị án treo về tội cố ý gây thương tích 2 năm, thời gian thử thách 3 năm. Gần 1 tháng trước tôi vào TP. HCM có việc nhưng không thông báo với địa phương. Mấy ngày nay, Tp. HCM giản cách xã hội nên tôi không thể về quê.

     Cho tôi hỏi hình phạt như thế nào khi quay về. Xin cảm ơn!”

     Trả lời:

     Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners. Về vấn đề của anh, Luật sư tư vấn như sau:

     Thứ nhất, về nghĩa vụ của người được hưởng án treo: Khoản 4 Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019, nghĩa vụ của người được hưởng án treo gồm: “4. Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này”.

“Điều 92. Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo

1. Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

…”

    => Đối chiếu với quy định nêu trên, anh có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục. Đồng thời anh phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được quá 12 tháng, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

     Thứ hai, về căn cứ xử lý khi người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ:

Trong trường hợp anh vắng mặt tại nơi cư trú mà không thông báo, không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, đã bị nhắc nhở bằng văn bản về việc vi phạm mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị tổ chức kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 Luật Thi hành án hình sự 2019:

“Điều 91. Việc kiểm điểm người được hưởng án treo

1. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm:

a) Vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 87 của Luật này và đã bị nhắc nhở bằng văn bản về việc vi phạm mà tiếp tục vi phạm;

2. Việc kiểm điểm phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ giám sát, giáo dục và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.”

     Bên cạnh đó, Điểm c Khoản 4 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử lý vi phạm hành chính về vấn đề này như sau:

“Điều 14. Vi phạm các quy định về tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, thi hành các biện pháp xử lý hành chính

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Người bị phạt tù cho hưởng án treo, người bị án phạt cải tạo không giam giữ mà không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục mà không có lý do chính đáng hoặc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã;

…”

     Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

“Điều 65. Án treo

5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

    => Như vậy, căn cứ các quy định trên thì sau khi anh trở về có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng. Trường hợp sau khi xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì có thể bị tổ chức kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 Luật Thi hành án hình sự 2019; nếu cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc anh chấp hành hình phạt tù của bản án đã được cho hưởng án treo.

     Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư về vấn đề anh thắc mắc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345 để được giải đáp kịp thời.

Bài viết liên quan

TỘI ĐÁNH BẠC THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin