0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

NGƯỜI QUAY PHIM LẠI SỰ VIỆC CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ?

Ngày đăng Ngày 17
8/2021

        Những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả.

        Hiện nay, có rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật được phát hiện và xử lý nhờ những video clip được đăng tải từ người sử dụng MXH. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít trường hợp “mãi quay phim mà quên cứu giúp người gặp nạn”.

        Vậy người quay phim lại sự việc có vai trò gì trong quá trình giải quyết vụ án? Chúng tôi xin chia sẻ một số quan điểm theo quy định của pháp luật hiện hành qua bài viết này.

        Trước tiên, ta sẽ thấy người quay phim lại sự việc đóng góp vào quá trình giải quyết vụ án 02 điều quan trọng: Video quay lại tình tiết và chứng kiến trực tiếp vụ việc.

                           

(Ảnh minh họa)

        Thứ nhất, về đoạn video

        Chưa nói đến người quay video, chỉ xét riêng nội dung đoạn video ghi hình diễn biến những việc đã xảy ra có thể được xem là nguồn chứng cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Nguồn của chứng cứ theo Điều 87 Bộ luật này bao gồm cả “dữ liệu điện tử”, tức bao gồm đoạn ghi âm, ghi hình bằng thiết bị điện tử, nếu chúng được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định thì hoàn toàn có thể trở thành chứng cứ theo Điều 86 Bộ luật này:

 “Điều 86. Chứng cứ

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

        Như vậy, trước hết người quay phim đã đóng góp vào nguồn chứng cứ một thứ quan trọng để làm căn cứ để giải quyết vụ án.

        Thứ hai, về người quay video

        Xuyên suốt quá trình giải quyết một vụ án, người quay phim lại sự việc là người chứng kiến được vụ việc đã xảy ra, có thể biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm việc với tư cách là người làm chứng trong vụ án.  

        Lúc này, người làm chứng có nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

        Lời khai của người làm chứng cũng có thể trở thành chứng cứ, họ có nghĩa vụ trình bày những gì mình biết về vụ án, về nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi được cơ quan điều tra đặt ra.

        Từ những bằng chứng này, cơ quan điều tra sẽ có thêm cơ sở để đưa ra kết luận điều tra, chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân quyết định có truy tố tội phạm hay không, có phải điều tra lại hay không,...

        Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

        Thứ ba, bên cạnh những giá trị tích cực mang lại, hiện vẫn còn rất nhiều trường hợp người chứng kiến vụ việc đã quay phim lại không vì mục đích làm chứng cứ để tố giác hành vi vi phạm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà chỉ đơn giản là để đăng lên MXH, cười đùa trước tai nạn của người khác. Có thể họ không biết rằng, trong những trường hợp cụ thể, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

        Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, việc đưa tin và hình ảnh của người khác lên MXH đều là vi phạm pháp luật khi đối tượng không đồng ý. Bất kể mục đích sử dụng có tốt đẹp hay không thì khi sử dụng hình ảnh của một người cần có được sự cho phép của chính người đó. Hành động đăng tải hình ảnh của người khác lên MXH sẽ vi phạm pháp luật cả hai vấn đề: vi phạm quyền dân sự đối với hình ảnh cá nhân và vi phạm luật an ninh mạng.

        Những hành động này có thể bị xử lý hành chính hoặc trong một số trường hợp nghiêm trọng hoàn toàn có thể bị phạt ở mức rất cao. Ngoài ra, còn có thể bị khởi tố hình sự Tội bôi nhọ người khác nếu sử dụng những hình ảnh nhạy cảm, không đúng đắn hoặc bị khởi tố hình sự Tội không giúp người đang ở trong tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng.

        Về quy tắc, chúng ta cần sống và làm việc tuân thủ theo quy định của pháp luật. Không thể lấy bất kỳ lý do gì để vi phạm pháp luật, cũng như việc không thể vì sợ mà không thực hiện nghĩa vụ cứu người. Trên thực thế, không nhất thiết lao vào vụ tai nạn hoặc áp sát người bị nạn mà hoàn toàn có thể thực hiện hành động cứu giúp bằng cách gọi điện thoại cho các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Như vậy, vừa có thể vẹn toàn giữa việc cứu giúp người gặp nạn vừa đảm bảo được an toàn cho bản thân mình.

        Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật sư về vai trò của người quay phim lại sự việc trong vụ án hình sự.

         Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn pháp luật,  quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin