0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH

Ngày đăng Ngày 23
3/2023

       Trong quá trình làm việc, người lao động có thể sẽ mắc những vi phạm về nội quy lao động, quy tắc lao động mà tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người sử dụng lao động có thể dùng các biện pháp để xử lý người lao động được đề cập trong bài viết dưới đây.

1. Khiển trách

       Trong các hình thức xử lý kỉ luật lao động tại Điều 124 Bộ luật lao động 2019 (BLLĐ 2019) thì khiển trách là hình thức kỉ luật nhẹ nhất đối với người lao động. Thông thường khiển trách được áp dụng đối với những người phạm lỗi lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ và nhằm tác động về mặt tinh thần đến người vi phạm. Trong một số doanh nghiệp, các hành vi có thể được quy định rõ mức độ như thế nào thì sẽ bị khiển trách, khi đó, nếu người lao động vi phạm vào những điều đó thì có thể sẽ bị cấp trên trực tiếp khiển trách hoặc gửi văn bản khiển trách. Ngoài ra, khiển trách còn có thể là một căn cứ để người sử dụng lao động xử lý với mức kỷ luật nặng hơn nếu tiếp tục vi phạm.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng

       Hình thức này áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm với mức độ nặng hơn so với khiển trách và thực tế thường được áp dụng khi người lao động đã bị khiển trách bằng văn bản mà tiếp tục có hành vi vi phạm với thái độ xem thường kỉ luật lao động.

3. Cách chức

       Hình thức này chỉ áp dụng đối với một số vị trí có giữ chức vụ nhất định trong đơn vị, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định không cho người vi phạm nắm giữ chức vụ đó nữa. Hình thức này được áp dụng đối với các hành vi vi phạm và người sử dụng lao động xem là nghiêm trọng mà không thể áp dụng khiển trách hay là kéo dài thời hạn nâng lương. Người lao động bị xử lý kỉ luật lao động với hình thức này sẽ không được nắm giữ chức vụ hiện tại nữa.

4. Sa thải

       Sa thải là hình thức xử lý kỉ luật cao nhất, nghiêm khắc nhất trong các hình thức được quy định tại Điều 124 BLLĐ 2019, và riêng về sa thải, tại Điều 125 BLLĐ 2019 quy định các trường hợp mà người sử dụng lao động chỉ được áp dụng sa thải:

  • Trộm cắp; tham ô; đánh bạc; cố ý gây thương tích; sử dụng ma túy tại nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động; quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
  • Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật; bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Trong đó, tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật.
  • Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày mà không có lý do chính đáng.
  • Ngoài ra trường hợp có hành vi ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự đối với người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình; (Điểm c Khoản 6 Điều 189 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)

5. Các trường hợp không được tiến hành kỷ luật lao động

       Không phải trường hợp nào thì người sử dụng lao động cũng có quyền xử lý kỷ luật lao động cụ thể căn cứ theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 122 BLLĐ 2019 quy định các trường hợp không được tiến hành kỷ luật lao động bao gồm:

  • Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
  • Đang bị tạm giữ, tạm giam;
  • Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của BLLĐ;
  • Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
  • Người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

6. Một số lưu ý khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động

  • Thứ nhất, muốn kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động, có thể là chứng minh bằng văn bản nhắc nhở nhiều lần, hoặc thông báo khiển trách hoặc trích xuất camera.
  • Thứ hai là phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
  • Thứ ba là người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
  • Thứ tư, việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
  • Thứ năm, không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

       Trên đây là quy định của pháp luật về nội dung XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH. Để được hỗ trợ tốt nhất trong các vấn để liên quan đến nội dung trên. Quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (Địa chỉ: số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Thành phồ Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin