0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự

Ngày đăng Ngày 11
8/2021

         Trước hết, Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu (Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

         Theo quy định trên, cấp dưỡng được hiểu là việc chu cấp tiền bạc hoặc tài sản khác giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng với người được cấp dưỡng trên cơ sở giữa họ có một trong các quan hệ: hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Trong đó, đối tượng được cấp dưỡng là người không trực tiếp chung sống với người có nghĩa vụ cấp dưỡng, bao gồm:

  • Người chưa thành niên,
  • Người đã thành niên mà không có khả năng lao động,
  • Người đã thành niên mà không có tài sản để tự nuôi sống bản thân,
  • Người gặp khó khăn hoặc túng thiếu.

         Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, có 08 trường hợp cấp dưỡng gồm:

  1. Cấp dưỡng giữa cha, mẹ đối với con
  2. Cấp dưỡng giữa con đối với cha, mẹ
  3. Cấp dưỡng giữa anh, chị, em
  4. Cấp dưỡng của ông bà nội, ông bà ngoại với cháu
  5. Cấp dưỡng của cháu với ông bà nội, ông bà ngoại
  6. Cấp dưỡng của cô, dì, cậu, chú, bác ruột đối với cháu ruột
  7. Cấp dưỡng của cháu ruột đối với cô, dì, cậu, chú, bác ruột
  8. Cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

         Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) có quyền yêu cầu Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.  

         Và trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thê, Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

         “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

         Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra một số phân tích cụ thể về cấu thành tội phạm và khung hình phạt của Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng này như sau:

Thứ nhất, về cấu thành tội phạm

  • Khách thể của tội phạm là quyền được người thân cấp dưỡng cho mình. Đó là quyền đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của người được cấp dưỡng trong đời sống hàng ngày.
  • Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự và là người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà theo quy định của pháp luật Hôn nhân và Gia đình có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 08 trường hợp kể trên.

         Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không là chủ thể của tội phạm này do họ chính là những chủ thể có quyền được cấp dưỡng theo quy định và cũng không thuộc một trong các tội được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự.

  • Mặt khách quan của tội phạm là hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng, thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó (có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương).

         Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ phát sinh theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi mới bị coi là tội phạm.

         Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng khước từ việc cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật yêu cầu cấp dưỡng hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.

         Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng tìm mọi cách trốn tránh việc cấp dưỡng (bỏ trốn, giấu địa chỉ, cố tình dây dưa việc cấp dưỡng,...), khi người được cấp dưỡng yêu cầu hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.

Như vậy, nếu có nghĩa vụ nhưng không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội. Người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng có khả năng tự đảm bảo cuộc sống, có tài sản riêng, không cần cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không bị coi là tội phạm.

         Người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu trách nhiệm hình sự khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm tức là trước đó đã có lần từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải hành vi trên thì không cấu thành tội phạm này.

  • Hậu quả của tội phạm là một trong những điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng khiến cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ như: ốm đau, bệnh tật. Trong trường hợp chưa gây hậu quả thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
  • Mặt chủ quan của tội phạm là người phạm tội thực hiện hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là do cố ý, nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Thứ hai, về hình phạt

         Điều luật quy định hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Vì mức độ nguy hiểm của nó chưa cao, hơn nữa, lại tác động trực tiếp tới các mối quan hệ trong gia đình nên pháp luật quy định chủ yếu cho người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có cơ hội thay đổi ở ngoài xã hội, bảo đảm cuộc sống gia đình.

         Trên đây là một số phân tích chúng tôi đưa ra dựa trên quy định của pháp luật hiện hành. Rất vui được chia sẻ kiến thức pháp lý và nhận được sự góp ý từ phía bạn đọc.

         Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn pháp luật, bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.

 

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin