0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình có thể phải đi tù đến 05 năm

Ngày đăng Ngày 27
10/2021

       Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật là nghĩa vụ của con cái. Do đó, khi con cái có hành vi ngược đãi như đánh đập, hành hạ ông bà, cha mẹ, thì tuỳ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

       Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

       "Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

     a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

     b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ

    Người vi phạm còn buộc phải xin lỗi công khai khi ông bà, cha mẹ có yêu cầu đối với hành vi vi phạm”.

(Ảnh minh họa)

       Khi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì có thể bị phạt tù đến 05 năm. Cụ thể, Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:

     “1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

     a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

     b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

     2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

     a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

     b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo”.

Dấu hiệu nhận biết tội phạm trên như sau:

  • Về khái niệm:

-  Ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là sự đối xử tồi tệ về mọi mặt đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình một cách thường xuyên.

Hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu là việc đối xử một cách tàn ác với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình một cách thường xuyên.

  • Về hành vi: Người phạm tội có một trong các hành vi sau:

– Đối với tội ngược đãi nghiêm trọng ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng, người phạm tội đã có hành vi đối xử tồi tệ về mọi mặt đối với người bị hại như:

+ Về ăn uống: Cho ăn một cách bẩn thỉu (như các vật dụng như bát đũa và thức ăn,… trong tình trạng mất vệ sinh và thiếu thốn), bắt nhịn ăn, nhịn uống,... Ví dụ: Chỉ đổ cơm nguội vào đĩa, bát bẩn thỉu để cho ăn mà không có đũa, thìa;

+ Về ở: Xếp cho ở nơi hết sức tồi tàn thậm chí không có chăn, màn, giường, chiếu;

+ Về mặc: Cho mặc rách rưới, thiếu vệ sinh một cách không bình thường;

+ Về sinh hoạt khác: Không cho tắm rửa thường xuyên, bắt chịu rét, nhiếc móc, chửi,…;

+ Có hành vi bạo lực xâm hại thân thể người bị hại như đánh đập, giam hãm;…

   => Việc đối xử như nêu trên phải được thể hiện một cách rõ ràng trái ngược so với điều kiện sống của gia đình họ. Ví dụ như có đầy đủ chỗ ở tốt nhưng lại đưa ra cho ở chuồng ngựa.

       Hành vi nói trên phải ở mức độ được xem là nghiêm trọng, diễn ra thường xuyên, làm cho người bị hại luôn dày vò, khủng hoảng, đau đớn về thể xác, tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.

– Đối với tội hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng, mặt khách quan được thể hiện qua dấu hiệu sau đây:

       Có hành vi đối xử tàn ác đối với người bị hại như đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn…có thể kèm theo việc chửi mắng thậm tệ làm cho họ đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

      Tuy nhiên, việc đối xử tàn ác không chủ ý gây thương tích hoặc chỉ gây thương tích nhẹ chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích; nếu hành vi gây thương tích đến mức độ nhất định đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

  • Về người bị hại: Người bị hại ở đây là:

+ Ông bà: gồm cả ông bà nội, ông bà ngoại

+ Cha mẹ: gồm cả cha, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi và cả cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng

+ Con: gồm cả con đẻ, con nuôi, con riêng của chồng hoặc vợ (kể cả con ngoài giá thú)

+ Vợ chồng: gồm vợ chồng có kết hôn hợp pháp hoặc là trường hợp được xác định là hôn nhân thực tế

+ Cháu: gồm cháu nội, cháu ngoại của người phạm tội, cháu gọi người phạm tội là cô, chú, bác, dì, cậu

+ Người có công nuôi dưỡng: là người không có các mối quan hệ như nêu trên với người phạm tội, nhưng đã có công nuôi dưỡng người phạm tội.

       Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nội dung quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017  như trên dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật trên thực tiễn. Bởi lẽ:

       Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm này bao gồm hai hành vi riêng biệt: Hành vi "ngược đãi" và hành vi "hành hạ". Tuy nhiên, chỉ được quy định một cách khái quát là: "Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu và những người có công nuôi dưỡng mình…" mà không nêu rõ như thế nào là đối xử tồi tệ và như thế nào là hành vi bạo lực dẫn để chưa có sự thống nhất cụ thể cách hiểu. Vấn đề này còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

       Thứ hai, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thì phải thỏa mãn hai điều kiện: Có hành vi ngược đãi và hành hạ đối với nạn nhân; Hành vi đó thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Tuy nhiên, hậu quả này cũng thực sự khó xác định trên thực tế, vì không chỉ phụ thuộc vào số lần nạn nhân bị ngược đãi, hành hạ, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Thời điểm bắt đầu và kết thúc hành vi, có hành vi bắt đầu và kéo dài đến vài năm và thậm chí cho đến khi nạn nhân chết; trạng thái tâm sinh lý của nạn nhân; điều kiện môi trường sống,... Hơn nữa, sẽ rất khó khăn cho người tiến hành tố tụng chứng minh hành vi ấy diễn ra có thường xuyên hay không.

       Tóm lại, ngoài xử lý trách nhiệm hình sự thì hành vi ngược đãi, hành hạ những người thân yêu của mình vẫn đang bị xã hội lên án đặc biệt vì đã để lại nhiều hậu quả đau lòng, không chỉ xâm phạm thuần phong, mỹ tục trong quan hệ gia đình truyền thống, ngoài ra còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại.

       Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngược đãi, hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa thì cái quyết định nhất vẫn bản tính của người phạm tội, bởi lẽ “con bọ cạp thì có nọc nơi đuôi”.

       Mọi thắc mắc và yêu cầu Luật sư tham gia bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin