Câu hỏi: Vừa qua, tôi có chở 10 bình bóng cười (bình khí N2O) mang đi bán lẻ và bị lực lượng chức năng (Công an) phát hiện lập biên bản, thu giữa xe ô-tô và toàn bộ các giấy tờ tùy thân của tôi. Vậy xin hỏi hành vi tôi có vi phạm pháp luật không, trường hợp vi phạm thì mức xử phạt được quy định như thế nào?
Trả lời:
Bóng cười thực chất là một quả bóng bay được bơm một loại khí gây cười có công thức hoá học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng N2O thường xuyên có thể gây ra các chứng: rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp,…
Do tính chất độc hại và nguy hiểm nên Pháp luật Việt Nam đã đưa khí N2O này vào Danh mục hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP). Các loại hóa chất này cần phải được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, tài sản, môi trường.
Theo đó, có thể thấy việc sản xuất và kinh doanh khí N2O để sử dụng vào các mục đích công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được pháp luật cho phép và thừa nhận. Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh loại khí N2O này đòi hỏi phải đáp ứng và đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện sản suất, kinh doanh cũng như phải tuân thủ đầy đủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Cụ thể: Căn cứ Khoản 2 Điều 15 Luật Hóa Chất quy định và yêu cầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh được quy định như sau:
a) Thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 14 của Luật hóa chất, cụ thể:
-
- Thực hiện đúng các quy định về: (1) Trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; (2) Yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; (3) Yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.
- Có cơ sở vật chất – kỹ thuật, năng lực chuyên môn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện
b) Có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là Giấy phép).
- Về hành vi mua bán bình khí gây cười (khí N2O):
Từ các phân tích ở trên, có thể thấy việc kinh doanh khí gây cười (khí N2O) không bị pháp luật ngăn cấm nhưng cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc xử lý hành vi kinh doanh khí gây cười sẽ được xem xét dựa trên nhiều yếu tố như: có đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định đối ngành nghề kinh doanh hay không? Có được cấp giấy phép hoat động thực hiện hay không?
Căn cứ theo Khoản 6 và Khoản 8, Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP thì người có hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (“Giấy phép”), đối tượng có hành vi sẽ (1) bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và (2) bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy trong trường hợp này, do bạn mua bán khí gây cười (N2O) mà không có Giấy phép nên bạn có thể: (1) bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và (2) bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
- Về việc tạm giữ phương tiện (xe ô-tô) và giấy tờ tùy thân của bạn:
Theo quy định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 của Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì việc áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được “áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hình thức xử phạt này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể”.
Theo đó, căn cứ Khoản 7 Điều 17 của Nghị định 71/2019/NĐ-CP thì hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”. Tức là đối với hành vi kinh doanh khí gây cười (N2O) mà không có Giấy phép như đề cập ở trên thì pháp luật không có quy định về hình thức xử phạt là tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.
Do vậy trong trường hợp của bạn, nếu bạn không có bất kỳ vi phạm nào khác ngoài hành vi vi phạm được nói đến ở trên (ví dụ: có thêm hành vi phạm quy định về tham gia giao thông,…) thì việc cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ phương tiện (xe ô-tô) và toàn bộ giấy tờ tùy thân của bạn là không có căn cứ. Bạn nên liên hệ làm việc với Cơ quan Công an để đề nghị nhận lại tài sản và các giấy tờ cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Lưu ý: Bài viết, nội dung tư vấn được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước mà không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần lưu ý tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.