GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ CỦA VIỆC NAM, NỮ CHUNG SỐNG VỚI NHAU NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ CỦA VIỆC NAM, NỮ CHUNG SỐNG VỚI NHAU NHƯ VỢ CHỒNG MÀ KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Ngày đăng Ngày 14
7/2021

         Thời gian qua, Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners nhận được khá nhiều câu hỏi của khách hàng liên quan đến việc vợ chồng chung sống với nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn, có tranh chấp con chung và tài sản chung khi ly hôn thì giải quyết như thế nào.

         Do đó thông qua bài viết này, chúng tôi chia sẻ đến quý Khách hàng một số quy định của pháp luật hiện hành về hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Khách hàng – chị Hà M. hỏi:

                                                               

Trả lời:

         Chân thành cảm ơn chị đã tin tưởng chọn chúng tôi làm nơi tư vấn pháp lý cho các vấn đề thắc mắc của mình. Về vấn đề của chị, Luật sư xin được tư vấn như sau:

         Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình và pháp luật về hộ tịch. Cụ thể tại Điều 14 Luật này quy định: 

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. ...”

         Từ quy định trên, đối chiếu với sự việc của chị mặc dù gia đình đã tổ chức đám cưới nhưng do chưa đăng ký kết hôn theo Luật Hôn nhân gia đình và pháp luật về hộ tịch nên chưa phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng, tức là pháp luật chưa thừa nhận quan hệ vợ chồng giữa anh chị trong trường hợp này. 

         Tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn và yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình.

         Như vậy, khi cuộc sống giữa vợ chồng chị không còn hòa hợp, phát sinh nhiều mâu thuẫn, không thể tiếp tục chung sống được với nhau và chị yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết như sau:

1. Về hôn nhân: Không công nhận quan hệ hôn nhân giữa anh chị là hôn nhân hợp pháp, bởi tại thời điểm anh chị về chung sống với nhau, cả hai người đều có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này nhưng chỉ tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn thì không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

2. Về con chung: Được giải quyết theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (tương tự như trường hợp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn). Cụ thể:

  • Cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
  • Hai bên thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi theo nguyên tắc:
  • Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con;
  • Đối với con trên 36 tháng tuổi Tòa án sẽ giao cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ về mọi mặt của con. Trong trường hợp bên nào có quyền nuôi con phải chứng minh được việc bảo đảm quyền lợi mọi mặt cho con;
  • Đối với con trên 07 tuổi, quyền nuôi con được xác định dựa trên một căn cứ nữa là là xem xét nguyện vọng của con. Nguyện vọng của đứa trẻ sẽ được Tòa án xem xét và là một căn cứ quan trọng để Tòa án ra quyết định phân xử quyền nuôi con cho người cha hay người mẹ.

Khi có tranh chấp về quyền nuôi con, Tòa án xem xét dựa trên nhiều yếu tố. Ví dụ:

  • Điều kiện về vật chất: bao gồm ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập,… của con. Các yếu tố đó dựa trên:

+ Thu nhập thực tế

+ Công việc ổn định

+ Có chỗ ở ổn định (nhà ở hợp pháp)

+ ... và các vấn đề khác.

  • Điều kiện về tinh thần: bao gồm thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ,...
  • Ý kiến của các con.
  • Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và được quyền thăm nom con mà không ai được phép cản trở.

         Đối chiếu với trường hợp của chị Hà M., con sinh vào tháng 7/2019 nên đến thời điểm này (tháng 7/2021) con chưa đủ 36 tháng tuổi nên chị được ưu tiên chăm sóc, nuôi dưỡng con; chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và được quyền thăm nom con mà không ai được phép cản trở.

3. Về quan hệ tài sản: Việc phân chia tài sản được thực hiện theo nguyên tắc:

  • Tài sản riêng của ai sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này”).
  • Tài sản thuộc sở hữu chung do các bên thỏa thuận phân chia. Trường hợp không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

         Đối với tài sản chung là căn nhà chung cư hai anh chị cùng đứng tên mua, anh chị có thể tự thỏa thuận phân chia. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ được giải quyết theo Điều 219 Bộ luật dân sự năm 2015:

  • Nếu chia được bằng hiện vật thì chia bằng hiện vật;
  • Nếu không chia được bằng hiện vật thì chị có quyền yêu cầu bán phần quyền sở hữu của mình/mua phần quyền sở hữu của người kia/bán khối tài sản chung để phân chia bằng giá trị tài sản.

         Khi đó, Tòa sẽ căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi để phân chia hợp lý. Nếu không bên nào chứng minh được công sức đóng góp của mình nhiều hơn thì Tòa án tuyên xử chia đôi mỗi người một nửa.

   Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners về vấn đề chị Hà M. hỏi và các Khách hàng quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần Luật sư giải đáp, quý Khách hàng vui liên hệ chúng tôi qua Hotline (028) 6682 3286 - 0939 07 2345 để được hỗ trợ kịp thời.

Bài viết liên quan

TỘI ĐÁNH BẠC THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin