Dùng ảnh “nóng” để thế chấp vay tiền, nhiều người đang tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm
0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Dùng ảnh “nóng” để thế chấp vay tiền, nhiều người đang tự đẩy mình vào tình thế nguy hiểm

Ngày đăng Ngày 13
6/2024

      Hiện nay do nhu cầu chi tiêu bức thiết, nhiều người muốn vay tiền nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với những khoản vay hợp pháp, lợi dụng vào hiện trạng này các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo người vay sập bẫy.

      Thời gian qua, Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners cũng nhận được một số yêu cầu tư vấn của khách hàng về trường hợp con, em mình chỉ 13 – 16 tuổi dùng hình ảnh, video clip khỏa thân của cá nhân để thế chấp vay tiền tiêu xài. Khi không có khả năng trả lại thì các đối tượng cho vay đe dọa phát tán video clip, hình ảnh “nóng” lên mạng xã hội và gửi cho bạn bè, người thân trong gia đình để uy hiếp đòi nợ. Sau khi biết chuyện, người thân phải thỏa thuận trả nợ thay, số tiền bị chiếm đoạt lớn hơn rất nhiều lần khoản vay ban đầu mà vẫn không chắc chắn được sự việc sẽ dừng lại.

      Vậy dưới góc độ pháp lý thì hình ảnh, clip nhạy cảm có phải tài sản thế chấp hợp pháp không? Các hành vi cho vay lãi suất cao, đe dọa, phát tán các hình ảnh nóng của nạn nhân có thể bị xử lý thêm về các tội danh nào? Luật sư tại Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc thông qua bài viết này.

      Hình ảnh, clip nóng không phải "tài sản" để thế chấp

Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, “thế chấp tài sản” là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, tài sản thế chấp thường là vật hoặc quyền tài sản, phải có các thuộc tính là có thể quản lý, sử dụng, định đoạt. Trong khi đó, thông tin cá nhân, hình ảnh, clip nhạy cảm thuộc về quan hệ nhân thân, không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp pháp.

      Trên thực tế, bên cho vay sẽ yêu cầu người muốn vay tiền phải quay, chụp ảnh chân dung, căn cước công dân, ảnh giao diện trên mạng xã hội Facebook, Zalo; video và hình ảnh nhạy cảm của người vay để thế chấp. Số tiền vay cao hay thấp còn phụ thuộc vào độ nhạy cảm của các hình ảnh, video này. Mặc dù thỏa thuận vay mượn tiền giữa hai bên là giao dịch dân sự, được xác lập trên cơ sở tự do, tự nguyện. Việc người vay tiền cung cấp hình ảnh, chấp nhận để chủ nợ đăng tải lên mạng khi không trả lãi đúng hạn là một cách cho phép họ sử dụng hình ảnh cá nhân của mình. Tuy nhiên theo Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi cam kết, thỏa thuận phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì mới có hiệu lực pháp luật. Do đó, dù người vay tiền cho phép, hành động đăng tải, đe dọa đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội vẫn là hành vi vi phạm. Thỏa thuận dân sự này vì thế không được pháp luật công nhận.

      Như vậy, theo quy định kể trên thì việc cầm cố, thế chấp cho các khoản vay bằng các hình ảnh nhạy cảm không được xác định là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách hợp pháp. Đây chỉ là phương thức thủ đoạn, là cách thức để các đối tượng cho vay nặng lãi có thể sử dụng để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, buộc nạn nhân phải trả nợ.

      Hành vi cho vay lãi suất cao, đe dọa, phát tán các hình ảnh nóng của nạn nhân để đòi nợ có dấu hiệu của 03 tội danh

      Thứ nhất, Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất như sau:

      1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

      Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

      Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

      2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

      Như vậy, pháp luật dân sự quy định mức lãi suất cho các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

      Đồng thời, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức 100%/năm) là có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể, điều này quy định:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

      1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất[154] quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

      2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên[155], thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

      3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Thứ hai, hành vi đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền lên mạng xã hội để uy hiếp tinh thần họ nhằm đòi nợ không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đây có thể được xếp vào nhóm hành vi sử dụng "thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản".

      Bộ Luật hình sự quy định, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến người bị đe doạ lo sợ, miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đe doạ, hành vi dọa tung hình ảnh, video nhạy cảm của người vay nợ để đòi nợ là hành vi có dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể, điều này quy định: 

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

      1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Có tính chất chuyên nghiệp;

      c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

      d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

      đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

      e) Tái phạm nguy hiểm.

      3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

      a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

      b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

      4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

      a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

      b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

      5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

      Thứ ba, theo Hiến pháp 2013, quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm con người luôn được bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền con người sẽ phải chịu chế tài xử lý theo quy định pháp luật.

      Do đó chủ nợ tung các clip nhạy cảm, những hình ảnh có yếu tố đồi truỵ của người vay tiền lên không gian mạng thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 326 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức chế tài cao nhất của tội danh này có thể đến 15 năm tù. Cụ thể:

Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

      1.[337] Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

      a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

      b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

      c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

      d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

      đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

      2.[338] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

      c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

      d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

      đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

      e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

      g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

      h) Tái phạm nguy hiểm.

      3.[339] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

      a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

      b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

      c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

      d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

      4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

        Nạn nhân tự đưa mình vào thế nguy hiểm

      Thực trạng hiện nay, nhiều người không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn muốn vay tiền bằng mọi giá, không lường trước thậm chí chấp nhận rủi ro, tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm để các đối tượng lợi dụng, uy hiếp tinh thần đòi nợ. Thoạt đầu, những người này chỉ nghĩ đơn giản chấp nhận gửi những ảnh nhạy cảm, những clip mang tính chất khiêu dâm rồi sau đó khi trả hết nợ, những bức ảnh, hay clip đó sẽ được xóa vĩnh viễn. Nhưng với lãi suất cao, số tiền lãi phải trả hằng ngày gần như bóp nghẹt cuộc sống của họ, khiến họ quanh quẩn nợ nần không lối thoát. Đáng chú ý, nhiều trường hợp bên cho vay hẹn hứa trả nợ xong sẽ xóa ảnh, clip, nhưng sau đó vẫn tiếp tục đe dọa, uy hiếp nạn nhân để chiếm đoạt số tiền cao hơn nhiều lần số tiền gốc đã vay. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, không những có dấu hiệu của nhiều tội phạm mà còn xâm phạm nghiêm trọng bí mật, đời tư cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người khác.

      Vì vậy, để hạn chế những tình huống nguy hiểm tương tự có thể xảy ra, chúng tôi khuyến cáo đối với những người có nhu cầu cấp bách về tài chính cần nhận thức rõ hành vi và lường trước những hậu quả có thể xảy ra để có cách lựa chọn, quyết định đúng đắn, tránh rơi vào cạm bẫy của những đối tượng cho vay bằng hình thức này.

      Trường hợp còn thắc mặc hoặc yêu cầu tư vấn pháp luật, quý Khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi trực tiếp tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345 để được hỗ trợ tốt nhất.

Bài viết liên quan

TỘI ĐÁNH BẠC THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin