Thời gian gần đây có nhiều trường hợp người dân căng băng rôn ở nơi công cộng để đòi quyền lợi khi có rằng có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình. Ví như trường hợp người dân tại một số chung cư treo băng rôn, biểu ngữ để phản đối chủ đầu tư nếu chủ đầu tư vi phạm cam kết, gây ảnh hưởng quyền lợi của người mua nhà; Hay trường hợp chủ nợ căng băng rôn trước nhà “con nợ” để yêu cầu thanh toán khoản tiền vay,…
Xét về mặt tích cực, đây chỉ là cách thức người trong cuộc sử dụng để biếu đạt thông tin, hay kêu cứu để chính quyền vào cuộc giải quyết, hoặc mượn làn sóng dư luận để buộc bên vi phạm phải đưa ra phương án giải quyết, nhất là trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay.
Có ý kiến cho rằng việc làm trên là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến đời sống của những người xung quanh. Vậy việc này có vi phạm pháp luật không, Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners sẽ đưa ra một số phân tích dựa trên quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Căn cứ vào Điều 25 Hiến pháp năm 2013 có quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, việc treo băng rôn, biểu ngữ trong trường hợp có mục đích phi quảng cáo, phi lợi nhuận thì hiện pháp luật Việt Nam không có quy định cấm hay hạn chế.
Tuy nhiên, một số hành vi treo băng rôn khẩu hiệu biến tướng, người dân có hành vi manh động, gây rối, có dấu hiệu vi phạm thì có thể bị xử lý theo các chế tài liên quan. Mức độ nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở an toàn giao thông. Nếu nặng hơn có thể bị xử phạt hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại tài sản, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác,…
- Điểm b, Điểm l, Điểm i Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình quy định: Mức phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:
+ Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
+ Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;
+ Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.
Trường hợp nội dung băng rôn, biểu ngữ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hay đe dọa đến cá nhân, pháp nhân thì người treo băng rôn hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 155, 156, 331 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Có thể nói, Pháp luật Việt Nam hoàn toàn không cấm người dân treo băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu. Tuy nhiên nội dung băng rôn khẩu hiệu có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc hình sự như trên thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Do đó, trong mọi trường hợp, cư dân, “chủ nợ” cần bình tĩnh, tỉnh táo và cư xử, hành động đúng trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Một số hệ quả của việc sử dụng băng rôn, biểu ngữ để đòi quyền lợi:
Thứ nhất, về chủ thể yếu tố cấu thành tội gây rối nơi công cộng thì chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình).
Thứ hai, về khách thể yếu tố cấu thành tội gây rối nơi công cộng thì hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Thứ ba, về mặt chủ quan thì người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Thứ tư, về mặt khách quan thì tội phạm này phải có các dấu hiệu sau:
+ Về hành vi: Có hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là hành vi của những người có thái độ coi thường trật tự những nơi đông người như chợ, trường học, nhà thờ, công viên, nhà ga, bến xe, bến tàu…cụ thể như: Có lời nói thô tục xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng; Có hành vi thô bạo xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng (đặc biệt là phụ nữ); Có hành vi dùng vũ lực để quậy phá, làm hư hỏng tài sản của nhà nước, của công dân ở nơi công cộng (như đập phá tượng đài, làm hư các biểu tượng, tranh cổ động, xe ô tô…)…
+ Hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Hậu quả xảy ra mà thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 02 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tô chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; Chết người…
Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như hành vi trên có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…Trong các trường hợp này phải tùy theo từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không khi xem xét trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
+ Đối với Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
+ Đối với Tội vu khống được quy định tại Điều 156, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
+ Đối với Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tạiíDDiều 331, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Do đó, trong trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp mà không thể tự thương lượng, hòa giải với nhau thì giải pháp tối ưu là khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu các Cơ quan tư pháp can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, thay vì tự phát căng băng rôn, biểu ngữ. Việc này sẽ giúp người dân tránh những rủi ro về vi phạm pháp luật không đáng có, tránh “tiền mất tật mang”.
Trên đây là một số nội dung chia sẻ của Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners về các trường hợp có thể dẫn đến vi phạm pháp luật bởi hành vi căng băng rôn, biểu ngữ để đòi quyền lợi dựa trên quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định được viện dẫn trong bài viết có thể hết hiệu lực hoặc đã thay đổi tại thời điểm bạn đọc tham khảo. Mọi thắc mắc, phản hồi, góp ý, vui lòng gửi về địa chỉ Email: congtyluatnguyentam@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp chúng tôi tại Văn phòng Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners (số 37 đường TTH 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc qua Hotline: (028) 6682 3286 – 0939 07 2345.
Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...
Khi bắt đầu quyết định kinh doanh một lĩnh vực nào đó, lựa...
Việc thành lập doanh nghiệp được xem là một trong những bước...
GIẢI VÔ ĐỊCH SÂN 5 – TRANH CÚP DIGITAL MARKETING LẦN 3