0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

BẪY CHUỘT BẰNG ĐIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI THÌ BỊ XỬ LÝ VỀ TỘI GÌ?

Ngày đăng Ngày 24
9/2021

       Thông thường, để giảm thiểu sự tác động của chuột với mùa màng, người dân đã nghĩ ra rất nhiều cách trong đó có việc sử dụng bẫy chuột bằng điện. Có thể nói phương pháp này thực sự hiệu quả nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho nhiều người khác. Nhiều vụ việc thương tâm do sử dụng bẫy chuột bằng điện đã xảy ra trên thực tế. Vậy hành vi sử dụng bẫy chuột bằng điện gây chết người có thể bị xử lý ra sao? Mời bạn đọc cùng Luật sư tại Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

       Khách hàng hỏi: “Mình có em con cậu ruột sinh năm 2004, sống ở quê nên không đi học và trẻ con lắm. Buổi chiều tối đi thả diều nên vướng vào dây điện nhà hàng xóm giăng quanh ruộng lúa để bẫy chuột. Lúc đó gia đình cậu không biết em đi đâu, cả đêm đi tìm em (nhà hàng xóm cũng biết gia đình cậu đi tìm em) nhưng không thấy đâu, đến sáng sớm khi tìm được thì thấy em nằm cạnh máng nước (không phải chỗ giẫm phải dây điện) nên cả nhà nghĩ em chết đuối. Chỗ em mình nằm đêm qua có nhưng không thấy.

       Khi công an vào khám nghiệm thì phát hiện dấu hiệu bất thường (tay có vết cháy) và 2 hôm sau điều tra ra thủ phạm là người hàng xóm. Quan trọng ở đây là người hàng xóm phát hiện ra em mình bị điện giật chết đã bàn bạc và cùng vợ giấu xác em mình trong vườn nhà nó, tắm rửa cho em mình sạch bùn, đợi đến gần sáng thì mang xác em mình ra máng để tạo hiện trường giả, chỗ em mình giẫm dây diện nó xóa hết dấu vết hiện trường (cắt hết vùng lúa bị đổ, đắp bùn lên chỗ vạt cỏ bị nát,...). Kinh khủng hơn là bà vợ vẫn sang viếng em mình với tư cách hàng xóm bình thường, không tỏ ra sợ hãi.

       Vậy Luật sư cho mình hỏi tội của người này đáng ra bị xử phạt bao nhiêu năm tù? Vì tuần rồi Tòa án xét xử người chồng 7 năm thôi còn người vợ không bị sao hết. Gia đình mình rất không phục và uất ức.

       Mong được giải đáp, gia đình mình chân thành cảm ơn!

Trả lời:

       Trước hết, Luật sư xin chia buồn với mất mát mà gia đình bạn đang gặp phải, đồng thời cũng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners. Về trường hợp của bạn, Luật sư có một số nội dung chia sẻ như sau:

       Theo hướng dẫn tại Điểm b Mục 12 Phần I Công văn số 81/2002/TANDTC thì:

       “b. Đối với trường hợp sử dụng điện để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

       + Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

       + Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người”.

(Ảnh minh họa)

       Theo như bạn cung cấp thì người này đã bị xử mức án 7 năm tù. Vậy có thể khẳng định là người này đã bị xét xử về tội "Giết người" chứ không phải về tội "Vô ý làm chết người". Bởi tội "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 128 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chỉ có 2 khung hình phạt như sau:

       “Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

       Do hậu quả xảy ra là làm chết 01 người nên không thể áp dụng khoản 2 (khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù), càng không thể áp dụng khoản 1 vì mức cao nhất của khung hình phạt chỉ đến 5 năm tù. Cũng có thể suy đoán luôn là người này bị xét xử về tội "Giết người" theo Khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Bởi Điều 123 quy định chỉ có 2 khung hình phạt, cụ thể như sau:

       “Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm”.

       Đối chiếu với điều luật trên thì hành vi giăng điện để bẫy chuột làm chết người không thỏa mãn bất cứ một điểm nào quy định tại khoản 1. Vì vậy mà người này đã bị xử theo khoản 2.

       Do không biết được Tòa án đã áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào đối với người này, nên Luật sư không thể trả lời bạn là mức án 7 năm tù đã phù hợp hay chưa.

       Về phần người vợ, nếu việc mắc điện bẫy chuột chỉ do một mình người chồng thực hiện thì người vợ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

       Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 331 Bộ luật TTHS 2015 thì những người có quyền kháng cáo bao gồm: “1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm…”

       Do đó, khi không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ nội dung bản án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên, cậu mợ bạn (người đại diện của bị hại) có thể làm đơn kháng cáo gửi đến Tòa án sơ thẩm đã xét xử vụ án hoặc gửi trực tiếp đến Tòa phúc thẩm để thực hiện quyền kháng cáo, yêu cầu xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

       Trên đây là một số quy định của pháp luật Luật sư chia sẻ đến bạn và gia đình.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần Luật sư giải đáp, quý Khách hàng vui liên hệ chúng tôi qua Hotline (028) 6682 3286 - 0939 07 2345 để được hỗ trợ kịp thời.

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin