Bạo hành trẻ em mầm non: Câu chuyện cũ, nỗi đau mới
0939 07 2345 - 028 6682 3286 Congtyluatnguyentam@gmail.com

Bạo hành trẻ em mầm non: Câu chuyện cũ, nỗi đau mới

Ngày đăng Ngày 09
3/2023

         Câu chuyện trẻ em mầm non bị bạo hành đã diễn ra từ nhiều năm nay và bị lên án rất mạnh mẽ. Thế nhưng, tình trạng này không hề thuyên giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng.

         Trên thực tế không thể phủ nhận việc các nhóm lớp mầm non tư thục góp phần tích cực khi giảm tải áp lực tại trường mầm non công lập, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh khi cho con đến trường vào đúng độ tuổi của mình. Đặc biệt, ở các thành phố, địa phương có nhiều khu công nghiệp, tốc độ di dân cao thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.

         Nhưng song song với mặt tích cực đó thì một điểm đáng chú ý là bạo hành trẻ lại thường xảy ra nhiều ở các nhóm, lớp mầm non tư thục. Người bạo hành trẻ là giáo viên, bảo mẫu được hợp đồng ngắn hạn. Có người chưa qua đào tạo. Khi có vụ việc bị lộ bởi những đoạn clip, trích xuất camera được tung lên mạng xã hội, hay có những vụ trẻ mầm non phải nhập viện, thậm chí tử vong thì sự việc mới được lật lại điều tra. Và hầu hết những vụ bạo hành đã được đưa ra xét xử, các giáo viên, bảo mẫu không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp luật, bản án của lương tâm, sự chỉ trích của xã hội. Nhưng dường như nhiều người không thấy hình phạt đó đáng sợ.

         Chúng tôi cho rằng những tồn tại này thường vì các nguyên nhân sau:

  • Chất lượng về đội ngũ giảng dạy chưa được nâng cao

         Hiện nay, không có quy định về vị trí việc làm đối với bảo mẫu trong hệ thống giáo dục. Nhiều bảo mẫu không được đào tạo bài bản, chỉ tham gia một vài chương trình đào tạo nghiệp vụ bảo mẫu mầm non vỏn vẹn 02 tháng, thậm chí có người còn chưa từng được tiếp cận kỹ năng nuôi dạy trẻ, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, thấu hiểu tâm sinh lý trẻ hay tham gia thực hành nuôi dạy trẻ trước khi vào làm việc tại các cơ sở mầm non.   

         Theo quy định hiện nay, ngoài các yếu tố cơ bản thì cơ cấu tổ chức ở các nhóm, lớp mầm non tư thục chỉ cần một tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn có thể là chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập và chỉ cần có bằng tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên và có các chứng chỉ, nghiệp vụ liên quan đi kèm. Chính quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ dễ dàng không được kiểm sát chặt chẽ dẫn đến tình trạng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục mọc lên như nấm. Thực tế đã chứng minh nhiều người có hành vi bạo hành trẻ thường rơi vào nhóm không có bằng cấp hoặc có bằng cấp nhưng chỉ mang tính đối phó.

  • Áp lực từ công việc, thiếu sự kiên nhẫn và thiếu tình thương cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số giáo viên, bảo mẫu vượt qua nỗi sợ trút giận lên những đứa trẻ

        Giáo dục mầm non là một môi trường đặc biệt. Có những trẻ rất ngoan, hợp tác nhưng có những trẻ có vấn đề về sức khỏe thường hay quấy khóc, ăn uống khó khăn. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, ngày nào đó thêm chuyện buồn cá nhân, gia đình sẽ khiến tinh thần của giáo viên, bảo mẫu thêm căng thẳng, nếu không biết cách kiềm chế sẽ dễ khiến xảy ra tình trạng bạo hành.

        Thêm vào đó là áp lực công việc, giáo viên phải trải qua một ngày làm việc kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, tất bật chăm sóc trẻ. Chưa kể đến áp lực từ phụ huynh, cấp trên.

  • Làn sóng dư luận “mau nổi chóng chìm”

         Chuyện một cháu bé bị bạo hành và bị cướp đi tính mạng là nỗi đau mới nhưng chẳng mấy lúc nó sẽ bị chìm lấp trong thời đại thông tin vì nó là việc cũ. Người ta sẽ lại tạm quên nếu như không có nỗi đau mới kế tiếp.

  • Thiếu sự giám sát, kiểm tra sau cấp phép và kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định đối với các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục

        Vừa qua, câu chuyện về bé trai 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong tại huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đã thực sự được dư luận rất quan tâm và phẫn nộ. Chúng tôi xin phép không nhắc lại những tình tiết bị thương của sự việc này.

        Bàn về góc độ quản lý Nhà nước thì cơ sở mầm non nơi xảy ra sự việc đã 02 lần bị xử phạt nhưng vẫn hoạt động chui. Ngay sau vụ việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hà Nội (ông Trần Thế Cương) vừa có Công văn yêu cầu UBND các xã/phường phải siết chặt việc cấp phép và thành lập các lớp mẫu giáo, mầm non độc lập, các loại hình dân lập, tự phát. Theo đó Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã yêu cầu các quận/huyện/thị xã thường xuyên kiểm tra giám sát cơ sở giáo dục mầm non, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định, thông báo công khai, tránh trường hợp như cơ sở mầm non tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín. Cùng với đó các địa phương cần công bố thông tin về các cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được cấp phép trên địa bàn để phụ huynh biết lựa chọn đúng trường lớp cho con em của mình.

        Một vấn đề đặt ra rằng, khi không có sự buông lỏng và thiếu kiên quyết kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định đối với các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục thì hậu quả của sự việc này liệu có xảy ra.

         Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để hạn chế, ngăn chặn những vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát, vấn đề quan trọng là cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với vai trò nòng cốt là UBND cấp xã/phường/thị trấn và cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện, thành phố, thị xã. Bởi chỉ có cấp gần dân nhất này mới nắm bắt và hiểu đầy đủ về điều kiện hoạt động, tình hình thực tế của các cơ sở trông, giữ trẻ trên địa bàn. Chỉ khi nào việc quản lý được thực hiện đầy đủ, công tác kiểm tra, xử lý tiến hành kiên quyết thì khi đó, sức khỏe, quyền lợi và sự an toàn của trẻ nói chung, trẻ ở tuổi mầm non nói riêng mới có thể được bảo đảm trong thực tiễn.

         Mặt khác, các bậc phụ huynh, đặc biệt là các cha mẹ nuôi con nhỏ cần phải được tăng cường truyền thông về kỹ năng chăm sóc và bảo vệ con. Mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm, chăm sóc con bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là trẻ chưa biết nói, cha mẹ cần thường xuyên gần gũi, quan tâm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất ổn về tâm lý hoặc những vết thương, dấu hiệu khác lạ trên cơ thể con. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về các cơ sở mầm non trước khi đưa ra quyết định gửi con; chỉ gửi con ở những cơ sở mầm non, các nhóm trẻ, các trường tư thục có giấy phép và đủ các điều kiện hoạt động… Đó là cách tốt nhất để chúng ta bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ của các hành vi bạo hành.

         Ngày nay, dù cơ sở mầm non ngày càng nhiều nhưng lựa chọn của phụ huynh cũng không phải dễ dàng. Những vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát là điều không ai mong muốn. Mỗi khi có một câu chuyện xảy ra thì lại là một nỗi đau mới, không chỉ là nỗi đau về thể chất, tâm hồn của con trẻ, không chỉ là mất mát của các bậc cha mẹ, gia đình mà còn là sự bất bình của dư luận xã hội.

         Về quy định của pháp luật có liên quan

1. Xử lý hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Căn cứ Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, hành vi bạo lực trẻ em được xử lý như sau:

“Điều 22. Vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này”.

2. Xử lý hình sự đối với hành vi bạo hành trẻ em

        Căn cứ tại Khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội hành hạ người khác thì người phạm tội thực hiện hành vi với người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 01 đến 03 năm.

        Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội cố ý gây thương tích thì Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

         Trên đây là một số nội dung chia sẻ của Công ty Luật Nguyễn Tâm & Partners liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ em mầm non hiện nay.

        Trong trường hợp cần được tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật, quý Khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi trực tiếp tại:

CÔNG TY LUẬT NGUYỄN TÂM & PARTNERS

        Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh

        Hoặc liên hệ với chúng tôi qua Hotline (028) 6682 3286 - 0939 07 2345 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Bài viết liên quan

TỘI ĐÁNH BẠC THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Với tội đánh bạc, trong những năm gần đây, qua các vụ án...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời...

Liên hệ với chúng tôi

  • 0939 07 2345 - 028 6682 3286
  • Congtyluatnguyentam@gmail.com
  • Số 37 đường Tân Thới Hiệp 09 (Đối diện TAND Quận 12), phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận bản tin